Quy định mới về cơ cấu tổ chức của Sở Thông tin và Truyền thông
- Cập nhật: Thứ hai, 21/3/2016 | 12:54:21 PM
Liên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV trong đó quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thông tin và Truyền thông thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ảnh minh họa
|
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 03/2008/TTLT-BTTTT-BNV về cơ cấu tổ chức, Sở Thông tin và Truyền thông có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc; đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 04 Phó Giám đốc.
Nhưng quy định mới tại Thông tư 06 nêu rõ, bộ máy lãnh đạo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác đều chỉ có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc.
Sở Thông tin và Truyền thông có 6 tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, Phòng Kế hoạch-Tài chính, Phòng Công nghệ thông tin, Phòng Thông tin-Báo chí-Xuất bản, Phòng Bưu chính-Viễn thông.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể và quy định khung tại Thông tư này, UBND cấp tỉnh có thể thành lập hoặc không thành lập đủ số lượng tổ chức nêu trên bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Đối với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nếu số lượng phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Thông tin và Truyền thông nhiều hơn so với quy định thì Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập tổ chức gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ để thống nhất trước khi quyết định.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông còn có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông và các tổ chức khác (nếu có). Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về biên chế, theo quy định mới, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Thông tin và Truyền thông được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng số biên chế công chức, tổng số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hằng năm Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trình UBND cấp tỉnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Thông tư 06 cũng nêu rõ Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về: báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin; điện tử; phát thanh và truyền hình; thông tin đối ngoại; bản tin thông tấn; thông tin cơ sở; hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.
Sở Thông tin và Truyền thông có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ ngày 24/4/2016.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ theo hướng chặt chẽ.
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 33557 /BTC-TCT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý chi hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật.