Tăng phí dịch vụ môi trường rừng
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/11/2016 | 2:23:14 PM
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 147/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Một trong những nội dung sửa đổi là điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện và sản xuất nước sạch.
Ảnh minh họa
|
Theo sửa đổi, mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3.
Cụ thể, Nghị định 147 quy định mức chi trả tiền DVMTR áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện là 36 đồng/kwh điện thương phẩm. Sản lượng điện để tính tiền chi trả DVMTR là sản lượng điện của các cơ sở sản xuất thủy điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện. Số tiền phải chi trả DVMTR trong kỳ hạn thanh toán được xác định bằng sản lượng điện trong kỳ hạn thanh toán (kWh) nhân với mức chi trả DVMTR tính trên 1kWh (36 đồng/kWh).
Mức chi trả tiền DVMTR áp dụng đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch là 52 đồng/m3 nước thương phẩm. Sản lượng nước để tính tiền chi trả DVMTR là sản lượng nước của các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch bán cho người tiêu dùng. Số tiền phải chi trả DVMTR trong kỳ hạn thanh toán được xác định bằng sản lượng nước thương phẩm trong kỳ hạn thanh toán (m3) nhân với mức chi trả DVMTR tính trên 1m3 nước thương phẩm (52 đồng/m3).
Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng được chi trả tiền DVMTR.
Theo đó, đối tượng được chi trả tiền DVMTR gồm:
1- Các đối tượng được chi trả tiền DVMTR là các chủ rừng của các khu rừng có cung ứng DVMTR gồm: a- Các chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các chủ rừng là tổ chức tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao; b- Các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được Nhà nước giao.
2- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài với các chủ rừng là tổ chức nhà nước (hộ nhận khoán).
3- UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật có cung ứng DVMTR.
4- Các tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật có cung ứng DVMTR.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.
Ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện số 1926 /CĐ-TTg gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.
YBĐT - Ngày 31/10, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản số 2508/UBND-NC gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Viện KSND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh; các sở, ngành: Công an tỉnh, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, về việc thực hiện Công điện số 1883/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đặc xá năm 2016.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa ký Công điện số 23/CĐ-UBATGTQG về thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quý IV/2016.