Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/4/2018 | 2:57:18 PM

YênBái - YBĐT - Ngày 18/4, Chủ tịch UBND tỉnh ra Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. 

Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Ảnh: Nhịp cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) bị gãy trong trận mưa lũ lịch sử ngày 11/10/2017.
Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Ảnh: Nhịp cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) bị gãy trong trận mưa lũ lịch sử ngày 11/10/2017.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc công tác công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018.

Chỉ thị nêu rõ, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết năm 2018 diễn biến phức tạp, bất thường, ngày càng cực đoan và khó dự báo. Dưới tác động của La Nina trong nửa đầu năm 2018, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có khả năng bằng hoặc nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, khoảng 11 - 13 cơn trên biển Đông và 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. 

Để chủ động phòng, chống, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2017, xác định những mặt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó với các tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra theo từng cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết ứng phó với dông lốc, mưa to, mưa rất to, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán kéo dài…phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo đồng bộ thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đối với các vùng trọng điểm xung yếu. Chủ động tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương nhằm ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống thiên tai xảy ra.

2. Tổ chức triển khai Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống thiên tai đến các cấp, các ngành, các địa phương. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo sớm thiên tai, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo của các cấp, các ngành đến từng xã, thôn, bản, người dân, đặc biệt là người người dân ở vùng sâu, vùng xa để chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan. Thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt phương châm "Bốn tại chỗ”.

3. Kiện toàn tổ chức Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành nhất là cấp xã; tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

4.1. Phối hợp với ngành chức năng để kiểm tra, đánh giá sự an toàn của các công trình đê, kè chống sạt lở, các hồ chứa nước, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng khác. Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai đối với các công trình bị thiệt hại năm 2017. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, các công trình cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện.

4.2. Xây dựng phương án phòng, chống ngập lụt đảm bảo phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những vùng thường xuyên bị ngập lụt: ven bờ sông Hồng thuộc thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và Văn Yên; vùng ven hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình và huyện Lục Yên.

4.3. Rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ…Thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê các địa bàn, các thôn bản và danh sách các hộ dân sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ ống, lũ quyét, sạt lở đất, gửi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh - đặt tại Chi cục Thủy lợi tỉnh; Email: ccthuyloiyb@gmail.com

Ở những địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa dễ bị chia cắt khi có thiên tai xảy ra phải có kế hoạch, phương án dự trữ các mặt hàng thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dầu thắp sáng, muối ăn, thuốc cấp cứu, thuốc phòng dịch…) và bố trí lực lượng sẵn sàng hỗ trợ để xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng bị chia cắt, cô lập lâu dài khi có thiên tai.

4.4. Đối với các địa phương bị thiệt hại nặng nề do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất năm 2017 gây ra cần tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả nhằm ổn định đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời vận động nhân dân kiên quyết tháo dỡ những vật kiến trúc, vật cản, cây cối ... đang xâm phạm lòng suối, cản trở dòng chảy, phải khơi thông dòng chảy, nhất là những điểm bị thu hẹp xong trước tháng 5 năm 2018.

4.5. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả 20 trạm đo mưa tự động ở 09 huyện, thị xã, thành phố để chủ động phòng tránh thiên tai, trong đó khai thác, cập nhật thông tin, lượng mưa tại các trạm trên trang Website vrain.vn theo hướng dẫn của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

4.6. Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn do các huyện trực tiếp quản lý, trường hợp bị sạt, lở đất gây ách tắc giao thông thì ngoài việc huy động lực lượng tại chỗ để giải phóng thông tuyến, phải báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân tỉnh để có giải pháp xử lý kịp thời.

5. Các sở, ban, ngành có trách nhiệm:

5.1. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong việc xây dựng phương án và tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai năm 2018; tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời, có hiệu quả việc ứng phó với thiên tai.

5.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các địa phương chỉ đạo hoàn thành kế hoạch gia cố, tu bổ hệ thống đê điều hồ đập và các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. Tổ chức kiểm tra và bố trí lực lượng phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi ở những khu vực xảy ra thiên tai; chủ động thực hiện các biện pháp để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch ngay khi mới phát sinh. Chuẩn bị đủ giống, vật tư kỹ thuật dự phòng cho sản xuất nông nghiệp.

5.3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Thực hiện chức năng của cơ quan thường trực về tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện; xây dựng phương án sẵn sàng ứng cứu, chi viện các tình huống khẩn cấp về thiên tai, xác định là nhiệm vụ thường trực chiến đấu của đơn vị. Chủ trì tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt cuộc diễn tập ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Yên Bái năm 2018.

5.4. Công an tỉnh: Chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng thiên tai; phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan bố trí lực lượng tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai, kiểm soát phương tiện giao thông qua các đoạn đường bị ngập sâu, sạt lở, sụt lún; phối hợp với lực lượng quân đội, các sở, ngành và địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn.

5.5. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh: Nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt là việc dự báo sớm các khả năng xuất hiện và diễn biến của các tình huống phức tạp về thời tiết, cung cấp kịp thời các số liệu về dòng chảy, về mưa, lũ cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan để kịp thời chỉ đạo ứng phó với mọi diễn biến của thiên tai.

5.6. Sở Giao thông vận tải: Có kế hoạch đảm bảo giao thông thông suốt cho các tuyến đường trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, lực lượng ứng cứu và thay thế khi có sự cố giao thông xảy ra.

5.7. Sở Công Thương: Tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng, kiểm tra, kiểm định đảm bảo an toàn các công trình đập hồ thủy điện, hầm lò khai thác khoáng sản, hệ thống cung cấp điện; rà soát điều chỉnh, kiểm tra, giám sát quy trình vận hành, xả lũ và các phương án đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du các hồ chứa thuỷ điện; chủ động tiếp nhận, kịp thời cung cấp thông tin xả lũ tại các hồ chứa thuỷ điện đầu nguồn sông Chảy trên địa bàn tỉnh Lào Cai; phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch thực hiện cung ứng hàng hoá cho vùng sâu, vùng xa trước mùa mưa lũ, dự phòng các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa lũ.

5.8. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức triển khai công tác xử lý môi trường bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho nhân dân vùng thiên tai; tiếp nhận và tổ chức thực hiện tốt các đề án, dự án liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ.

5.9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ động theo dõi cập nhật thiệt hại do thiên tai, tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện các biện pháp ứng cứu khẩn cấp, bảo trợ xã hội, cứu đói, thăm hỏi động viên, ổn định tư tưởng, hỗ trợ vật chất thiết yếu đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong các vùng thiên tai.

5.10. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Yên Bái và các cơ quan thông tin đại chúng đóng trên địa bàn tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các thông tin dự báo thời tiết, các chủ trương, chỉ thị, mệnh lệnh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai.

5.11. Sở Y tế: Chuẩn bị lực lượng cán bộ y tế, cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cấp cứu, tổ chức khám chữa bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh trong vùng ảnh hưởng thiên tai; sẵn sàng tham gia các cuộc diễn tập về phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của địa phương; chủ động đề xuất với Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch hỗ trợ người già, bà mẹ, trẻ em vùng ảnh hưởng thiên tai đảm bảo dinh dưỡng và các điều kiện sống tối thiểu để ổn định cuộc sống và phát triển.

5.12. Sở Khoa học và Công nghệ: Ưu tiên phối hợp, tổ chức thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

5.13. Sở Giáo dục và Đào tạo: Nghiên cứu phổ biến, thực hành kiến thức phòng, chống thiên tai trong trường học theo chỉ đạo của Trung ương; thường xuyên kiểm tra, xử lý an toàn hệ thống hạ tầng giáo dục; theo dõi tình hình thiên tai, lũ bão, rét đậm, rét hại để chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn cho học sinh, phù hợp với điều kiện cụ thể tại mỗi địa phương.

5.14. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cân đối lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra và đảm bảo các hoạt động cần thiết của các cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Đồng thời tranh thủ, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ, hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống thiên tai.

5.15. Các sở, ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng và thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động, phối hợp tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Từ ngày 15/5/2018, thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế và phụ cấp trách nhiệm công việc của kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư 04/2018/TT-BNV do Bộ Nội vụ vừa ban hành.

Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản. Theo kế hoạch, từ năm 2018 và các năm tiếp theo, các Bộ, ngành liên quan sẽ tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung của 2 Luật trên.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục