Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do Bão số 3 gây ra.
Công điện gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tài nguyên và Môi trường.
Chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và người dân vùng lũ
Công điện nêu rõ, Bão số 3 đã gây mưa to đến rất to tại nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại các huyện Quan Sơn và Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá và một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, tính mạng và tài sản của nhân dân, một số người còn mất tích.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình có người thân bị chết, mất tích do mưa lũ, chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và người dân vùng lũ.
Dự báo, đêm nay và ngày mai tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An) có thể còn tiếp tục có lớn; nguy cơ cao xảy ra lũ cục bộ, lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ, triển khai một số nhiệm vụ cấp bách như sau:
Sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời.
Tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích (bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn).
Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị chết, mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương.
Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói. Kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở, ngập sâu.
Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau lũ. Chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ công tác cứu trợ và sinh hoạt cho người dân.
Triển khai lực lượng tìm kiếm, cứu nạn; khắc phục sự cố
Thứ hai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương, nhất là tại tỉnh Thanh Hóa.
Thứ ba, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên các trục giao thông chính nhằm đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt để phục vụ công tác cứu trợ.
Thứ tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, kịp thời sửa chữa các hồ đập thủy lợi, thủy điện, các công trình bị sự cố do mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn, sớm khôi phục sản xuất và chủ động ứng phó các các đợt mưa lũ tiếp theo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo sẵn sàng phương án phòng chống lũ theo cấp báo động.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ
Thứ năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để nhân dân và các cơ quan liên quan biết chủ động phòng, tránh, ứng phó.
Thứ sáu, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, bảo đảm thông tin kịp thời về thiên tai, công tác chỉ đạo, khắc phục thiên tai.
Thứ bẩy, các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng và các bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực được phân công.
Thứ tám, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; tổng hợp thiệt hại, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.
B.T