UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu tăng cường phòng chống dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/2/2020 | 4:22:48 PM

YênBái - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngày 7/2, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Văn bản số 229/UBND-NLN tăng cường chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi. Sau đây là nội dung chi tiết:

Phun tiêu độc khử trùng chuồng trại lợn ở thành phố Yên Bái. (Ảnh: Minh Huyền)
Phun tiêu độc khử trùng chuồng trại lợn ở thành phố Yên Bái. (Ảnh: Minh Huyền)

Theo thông tin từ Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến thời điểm hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn quốc cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, nguy cơ tái phát dịch bệnh là rất cao. 

Bệnh lở mồm long móng gia súc đã xảy ra tại một số tỉnh như: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ...; bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện tại tỉnh Nghệ An.

Tại tỉnh Yên Bái, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế từ cuối tháng 12/2019. Tuy nhiên, do bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh; vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao; đường lây truyền bệnh rất đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát; chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; hiện nay thời tiết mưa phùn kéo dài, trong khi người chăn nuôi đang tập trung tái đàn phát triển chăn nuôi, do vậy dịch bệnh rất dễ tái phát trở lại. 

Ngay từ đầu tháng 2/2020 dịch bệnh đã phát sinh tại 3 xã (Mường Lai, Minh Chuẩn và Khánh Hòa) của huyện Lục Yên. Tính đến ngày 7/2/2020 có 72 con lợn tại 8 hộ gia đình mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, trọng lượng 3.476 kg. 

Về bệnh lở mồm long móng gia súc trên địa bàn xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu: đã có 6 con bò biểu hiện bệnh, cơ quan chuyên môn thú y và huyện đã áp dụng các biện pháp xử lý ổ dịch, đã lấy mẫu gửi xét nghiệm, chưa có kết quả xét nghiệm. Bệnh cúm gia cầm, qua kết quả giám sát hàng năm chưa phát hiện có vi rút cúm trên địa bàn tỉnh. 

Để chủ động trong công tác phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và các loại dịch bệnh khác cho đàn vật nuôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời tiếp tục chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các cơ quan, đơn vị chuyên môn, các ngành chức năng tổ chức triển khai phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản dưới luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Khẩn trương tổ chức, triển khai tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 100/UBND- NLN ngày 14/1/2020, Công văn số 212/UBND-NLN ngày 6/2/2020.

b) Tăng cường giám sát dịch bệnh đến các cơ sở, các hộ chăn nuôi nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; phát hiện sớm dịch bệnh phát sinh, tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định bệnh, tổ chức phòng chống dịch bệnh, xử lý triệt để không để lây lan ra diện rộng.

c) Chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ, tăng cường kiểm tra việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

d) Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên; các hộ chăn nuôi chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, không tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn về dịch bệnh, chú ý đảm bảo chất lượng và nguồn gốc con giống sạch bệnh, thực hiện nghiêm ngặt việc ra vào khu chăn nuôi.

đ) Khi có phát sinh dịch bệnh tổ chức phòng, chống dịch bệnh và báo cáo kịp thời theo quy định.

e) Tuyên truyền các hộ, cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ khi phát hiện lợn bị ốm hoặc chết chưa rõ nguyên nhân phải báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan thú y để kiểm tra, xác minh dịch bệnh, xử lý theo quv định - nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

g) Đối với ủy ban nhân dân huyện Lục Yên đang có phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi).

- Tổ chức triển khai ngay các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn; tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng môi trường đối với vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm (bằng vôi bột, hóa chất...); tổ chức lấy mẫu giám sát để phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

- Chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các đơn vị chuyên môn, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp; không vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Chủ động hỗ trợ kinh phí kịp thời cho chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy và cán bộ thú y, người tham gia phòng, chống dịch theo quy định.

- Báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày về Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Cục Thú y, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Luật Thú y, các văn bản dưới luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, nhất là đối với huyện Lục Yên đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

b) Chỉ đạo Chi cục chăn nuôi và Thú y, các đơn vị chuyên môn thuộc sở:

- Phối hợp với các địa phương kiểm tra giám sát dịch bệnh tại ổ dịch cũ, những vùng có nguy cơ cao, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm bệnh; khi có phát sinh dịch bệnh kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, dụng cụ, thuốc sát trùng theo đề xuất của các địa phương phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh. Cung ứng vật tư, phương tiện, dụng cụ, thuốc sát trùng để tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường.

- Phối hợp với lực lượng công an, Cục Quản lý thị trường tỉnh... xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào địa bàn tỉnh. Thường xuyên cập nhật, tông hợp tình hình dịch bệnh báo cáo Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

- Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ; phối hợp xử lý kiên quyết các trường họp vi phạm.

- Phối hợp với Cục Thú y nắm bắt thông tin, tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn quốc, trong khu vực, thông tin kịp thời, chính xác và cảnh báo để người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh.

 3. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái

Chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc, xử lý nghiêm theo quy định.

4. Các sở, ngành: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi truòng, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy ban nhân dân các, huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi theo quy định.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị- xã hội của tỉnh

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân tích cực, hăng hái tham gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi

Nhận được văn bản này, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, các đơn vị liên quan, Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện.

K.T Chủ tịch
Phó Chủ tịch
Nguyễn Văn Khánh 
(đã ký)

Tags UBND tỉnh Yên Bái phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Các tin khác

UBND tỉnh Yên Bái vừa có Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND ngày 4/2/2020 về việc ban hành Quy định về Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái 5 năm và Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái hàng năm.

Các tập thể, cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và Ba tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2019.

Ngày 4/2, UBND ban hành Văn bản số 178/UBND-NCPC gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc 18 khối thi đua về việc phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2020. Nội dung Văn bản như sau:

Ảnh minh họa

Điều 101 nghị định mới quy định mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống.

Hội phụ nữ huyện Mù Cang Chải thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các hội viên nghèo phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Minh Huyền)

Tỉnh ủy Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 170 về việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020. Sau đây là nội dung Kế hoạch:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục