Ngày 23/2, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai; tập trung thảo luận đóng góp sâu về các điều, khoản có liên quan trực tiếp đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới; các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, cần công khai, minh bạch thông tin quy hoạch để tránh trường hợp lợi dụng tung tin, thu lợi bất chính. Bà Hà cũng nêu vấn đề, nữ doanh nghiệp khởi nghiệp đi vay vốn nhưng giấy tờ nhà đất lại chỉ đứng tên chồng nên không thể vay vốn được.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội cũng nêu ý kiến, theo luật Đất đai 2013, việc quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã làm tăng tỷ lệ Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng, qua đó đảm bảo quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung, tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp Giấy chứng nhận chỉ có tên người chồng vẫn còn nhiều.
Bà Nga đề xuất, nên làm rõ quy định, trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì phải thực hiện thủ tục cấp đổi sang ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Luật sư Nguyễn Đào Tơ, Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội góp ý về việc thu hồi đất, Luật đất đai hiện hành đang quy định Dự án đô thị được coi là Dự án phát triển kinh tế đô thị, không phải Dự án thoả thuận. Vậy quá trình thu hồi đất sẽ có nhiều tình huống xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Vì thế, cần làm rõ Dự án đô thị là dự án như thế nào, vì sao lại không phải Dự án thoả thuận.
Ngăn chặn tham nhũng, lợi ích nhóm
Sáng 23/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận Ba Đình (Hà Nội) cũng tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu đều thống nhất nhận định, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới...
Các đại biểu cơ bản đồng tình với việc bỏ quy định khung giá đất và quan tâm góp ý vào quy định về bảng giá đất trong dự thảo luật. Cụ thể, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Liễu Giai Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị cần xác định rõ khái niệm "giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường", phương pháp áp dụng trong điều chỉnh bảng giá đất.
Theo ông Tuấn, hiện nay giá đất trên thị trường biến động liên tục. Nếu nhà nước căn cứ vào sự biến động giá đất trên thị trường để điều chỉnh bảng giá đất trong năm, bảng giá đất sẽ phải điều chỉnh liên tục dẫn đến thiếu ổn định, gây tranh cãi trên thị trường bất động sản và công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Ông Nguyễn Kim Sơn (phường Đội Cấn) cho rằng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong dự thảo Luật cần hướng tới thực hiện tốt hơn cả về diện mạo đô thị, nông thôn cũng như đời sống nhân dân. Ông Sơn cho rằng dự thảo Luật cần nhìn xa hơn về mặt xã hội để thực hiện các khu tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi, tránh hiện tượng xuống cấp, tái đầu tư cơ sở vật chất chỉ sau vài năm.
Một số đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, việc Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh tham gia vào Hội đồng thẩm định bảng giá đất là chưa phù hợp vì sẽ bỏ qua chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của những người đại diện quyền sở hữu toàn dân về đất đai, tránh trường hợp "lợi ích nhóm”, tham nhũng về đất đai.
(Theo TPO)