Trong đó, một trong số những nội dung được chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân và người dân đặc biệt quan tâm là những sửa đổi liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng và điều chỉnh giá đất. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên.
P.V: Đề nghị đồng chí cho biết, sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Đất đai?
Đồng chí Phạm Trung Kiên: Sau 10 năm áp dụng, Luật Đất đai năm 2013 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Luật và các văn bản dưới Luật đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được bảo đảm và phát huy. Chính sách, pháp luật đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai đã phát sinh thêm nhiều vấn đề mới, từ đó bộc lộ một số điểm thiếu sót, bất cập. Những vướng mắc trong quá trình tổ chức, thi hành Luật Đất đai, gây cản trở quá trình phát triển, nhiều nội dung quy định không cập nhật tình hình phát triển đất nước như: tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật điều chỉnh quan hệ có liên quan đến đất đai; các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thủ tục hành chính, thanh tra, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai…
P.V: Lâu nay, việc thu hồi đất để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn những bất cập, dẫn đến sự chưa đồng thuận của các tổ chức, cá nhân. Theo đồng chí, Luật Đất đai nên thay đổi như thế nào để đảm bảo công bằng trong giải phóng mặt bằng giữa các bên?
Đồng chí Phạm Trung Kiên: Về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại Điều 67 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đối chiếu với luật hiện hành có thể thấy quy định của dự thảo có phạm vi mở rộng hơn, cụ thể hơn.
Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức và tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi. Bởi vì, xét cho cùng thì việc thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân đặc biệt là những vùng dân có đất bị thu hồi là vùng chuyên về sản xuất nông nghiệp, trồng trọt.
Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương.
P.V: Một trong những nguyên nhân khiến cho công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, xây dựng các công trình, dự án là do giá bồi thường về đất còn thấp so với giá thị trường. Do đó, Luật Đất đai cần có những sửa đổi như thế nào? Thưa đồng chí!
Đồng chí Phạm Trung Kiên: Liên quan đến vấn đề bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất, nội dung quy định trong dự thảo khá hợp lý, sát thực tiễn. Cụ thể, dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi; đồng thời, đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất thời gian qua từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Do đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là "tốt hơn nơi ở cũ”, tính đến tính chất công việc của người bị thu hồi, trượt giá, tạo công ăn việc làm sau thu hồi…
Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất và cần được thực hiện một cách công khai có giám sát thực hiện đúng quy định về giá, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi; đồng thời, việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất cũng phải bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật, việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tránh xảy ra các tranh chấp dai dẳng kéo dài dễ trở thành điểm nóng cho các đối tượng thù địch lợi dụng các quyền tự do dân chủ để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hùng Cường (thực hiện)