Ngoài các nội dung góp ý về giá đất, bảng giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất và thầu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư… VCCI còn nêu quan điểm liên quan đến việc thu hồi đất.
Cụ thể, theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 127 dự thảo thì trường hợp đấu thầu dự án sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm "lập, thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất theo quy định của Luật này”.
Quy định này được hiểu, Nhà nước sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp thu hồi đất để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.
Theo quy định hiện hành, đấu thầu dự án có sử dụng đất phần lớn là đất chưa giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư sẽ tự ứng chi phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Quy định này sẽ khiến cho các địa phương phải chuẩn bị nguồn kinh phí lớn, nhất là đối với trường hợp "dự án đô thị, nhà ở thương mại có quy mô từ 50ha trở lên tại khu vực nông thôn và 20 ha trở lên tại khu vực đô thị”, tạo áp lực lên ngân sách của địa phương.
Để đảm bảo tính hợp lý, VCCI đề nghị dự thảo điều chỉnh quy định theo hướng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư hỗ trợ kinh phí và sau đó được trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp.
Còn đối với việc thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự thảo đang thiết kế quy định về cơ chế thiết lập quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại theo hướng: Nhà nước thu hồi đất để tạo lập quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở (Điều 78);
Nhà đầu tư thỏa thuận về quyền sử dụng đất ở và các loại đất không phải là đất ở để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn (điểm c khoản 1 Điều 128). Trường hợp này Nhà nước không thu hồi đất (khoản 5 Điều 78);
Đây là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cho rằng, đối với các dự án nhà ở thương mại, đô thị nhà đầu tư thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất là … không khả thi và khiến cho dự án gặp nhiều khó khăn để thực hiện.
Bởi vì, trong nhiều trường hợp, việc giải phóng mặt bằng sẽ bị "ách tắc” chỉ vì một hoặc một ít hộ dân không chịu thỏa thuận, hoặc yêu cầu mức giá quá cao.
Trên thực tế doanh nghiệp không thể đàm phán, thoả thuận với hàng ngàn người dân trong một dự án lớn. Để có thể triển khai được dự án, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong thu hồi đất.
Mặt khác, việc dự thảo phân tách Nhà nước thu hồi đất, dựa vào tính chất của đất như trên (Nhà nước thu hồi đất không phải là đất ở; nhà đầu tư thỏa thuận đất ở và các loại đất không phải là đất ở) dường như chưa phù hợp vì có trường hợp, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng các loại đất không phải là đất ở và các đất này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất ở nhưng lại không thể thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại.
Theo quy định tại trường hợp trên, đất đó phải có một phần là "đất ở”. Đây cũng là trường hợp vướng mắc lớn trên thực tế mà doanh nghiệp đã phản ánh trong mấy năm vừa qua.
Để đảm bảo khai thông các dự án đầu tư, các doanh nghiệp đề nghị cân nhắc sửa đổi quy định về tạo lập quỹ đất theo hướng bỏ cụm từ "sử dụng các loại đất không phải là đất ở” tại điểm a khoản 3 Điều 78; "đất ở và các loại đất không phải là đất ở để chuyển mục đích sử dụng đất” tại điểm c khoản 1 Điều 128;
Đồng thời, thiết kế cơ chế có sự can thiệp của Nhà nước vào việc thu hồi đất trong trường hợp nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất (có thể đặt ra tỷ lệ % đất không thể thỏa thuận được mà Nhà nước phải can thiệp).
(Theo ANTĐ)