Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng xã hội học tập
- Cập nhật: Thứ ba, 17/4/2007 | 12:00:00 AM
Ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Chỉ thị nêu rõ: Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng về “chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập” và tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời gian tới, tập trung thực hiện một số nội dung cơ bản sau đây:ư
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và nhân dân với nhiều hình thức phong phú, thiết thực để nhận thức rõ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập ở nước ta hiện nay; xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta.
2. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội học tập trong phạm vi từng địa phương, đơn vị. Trước mắt rà soát, xây dựng, bổ sung nội dung, kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong đề án” Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010” mà Chính phủ đã ban hành. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
3. Mở rộng và nâng cao chất lượng các phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong giảng dạy và học tập; xây dựng gia đình hiếu học; cộng đồng, dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị khuyến học. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; phát triển nhiều loại hình học tập đa dạng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân từng địa phương, đơn vị.
Chú trọng và kịp thời phát hiện, có chính sách cụ thể để bồi dưỡng nhân tài, nhất là tài năng trẻ trên các lĩnh vực. Vận động nhân dân tích cực tích cực học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp, chuyên môn nhằm tăng năng lực sản xuất, chất lượng công việc chất lượng cuộc sống. Gắn việc phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành, với phong trào làm kinh tế giỏi, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm và có hình thức khen thưởng, tuyên dương, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện phong trào khuyến học, xây dựng xã hội học tập ở các địa phương, đơn vị.
4. Củng cố, xây dựng Hội Khuyến học các cấp vững mạnh, làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa giáo dục.
5. Ban cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp trong phạm vi, quyền hạn, nhiệm vụ của mình khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách, kế hoạch triển khai thực hiện” đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010” của Chính phủ, nhất là các chủ trương, chính sách đảm bảo phát triển hệ thống giáo dục thương xuyên, tổ chức dạy nghề ở các quận, huyện, tạo điều kiện cho hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; có biện pháp tích cực, nội dung cụ thể giúp các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, những địa phương có khó khăn trong việc triển khai xây dựng xã hội học tập; ban hành cơ chế, giao cho Hội khuyến học các cấp thực hiện nhiệm vụ triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, nghiên cứu xây dựng mô hình xã hội học tập; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về chế độ chính sách, tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động của hội khuyến học các cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tăng cường các hoạt động phối hợp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các cá nhân tập thể có thành tích trong công tác này.
6. Ban Tuyên giáo Trung ương, ban Tuyên giáo các địa phương chủ trì, phối hợp với ban dân vận cùng cấp giúp cấp ủy theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này. Hằng năm, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (ở địa phương báo cáo thường vụ cấp ủy Đảng) về kết quả thực hiện.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hằng vừa ký Văn bản 1263 hướng dẫn về việc người lao động nghỉ ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Theo đó, bắt đầu từ ngày 10/3 âm lịch năm nay (tức 26/4 dương lịch), người lao động sẽ được nghỉ, hưởng nguyên lương.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển vừa ký Công điện số 06 TM/CSTTTN gửi các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các Sở Thương mại và Chi cục Quản lý thị trường yêu cầu cung ứng đủ nguồn xăng dầu cho hệ thống bán lẻ, các tổng đại lý và đại lý, bảo đảm ổn định thị trường.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2007/NĐ-CP ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Theo đó, người đứng đầu cơ quan nhà nước ở các cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin.
Đó là một trong những quy định của "Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu" vừa được Bộ Y tế ban hành.