Yên Bái: Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người và động vật
- Cập nhật: Thứ hai, 29/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trước tình hình và diễn biến phức tạp của bệnh dại tại các địa phương trong tỉnh Yên Bái từ đầu năm 2007 đến nay, ngày 21 tháng 9 năm 2007, UBND tỉnh Yên Bái đã có Chỉ thị số 23/CT-UBND “Về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người và động vật”. Dưới đây là nội dung Chỉ thị:
Thực hiện tiêm phòng dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái. (Ảnh Đình Tứ)
|
Theo báo cáo của Chi cục Thú y, từ đầu năm 2007 đến nay, số người chết do bệnh dại tăng đột ngột, đã có 14 người chết, nhiều hơn cả năm 2005 và 2006 cộng lại. Tuy nhiên công tác phòng, chống bệnh dại cũng còn nhiều tồn tại yếu kém, đó là: chưa có biện pháp khả thi để giải quyết ổ bệnh dịch trên đàn chó, còn nhiều người dân chưa biết mối nguy hiểm của bệnh dại, chủ quan.
Trước tình hình và diễn biến phức tạp của bệnh dại các địa phương, nhất là tại huyện Yên Bình, Văn Yên và huyện Lục Yên; việc khống chế dịch bệnh dại, hạn chế ngay thiệt hại về người là việc làm cấp bách hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Củng cố và thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dại tại cấp tỉnh và cấp huyện, riêng huyện Lục Yên, Văn Yên và huyện Yên Bình thành lập Ban chỉ đạo tới cấp xã; huy động và phối hợp các lực lượng triển khai chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống bệnh dại.
2. Giao Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bệnh dại, cách xử lý các vấn đề liên quan đến bệnh dại trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao trách nhiệm phòng, chống bệnh dại của các cấp, các ngành; đặc biệt ở những vùng có nguy cơ cao về bệnh dại và cách phòng, chống.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương, đặc biệt là các huyện, xã đã phát sinh bệnh dại, tổ chức tiêu diệt toàn bộ đàn chó theo các quy định của Pháp lệnh Thú y.
- Tổ chức điều tra, nắm bắt tình hình bệnh dại trên đàn chó nuôi tại các địa phương và tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó; khống chế tình hình lây lan bệnh dại trên địa bàn toàn tỉnh;
- Tiếp tục chỉ đạo về các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh dại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 9/1/2007 của Chính phủ “Về việc phòng chống bệnh dại ở động vật”;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch phòng, chống giám sát bệnh dại tại tỉnh Yên Bái năm 2007 và những năm tiếp theo; đặc biệt là huyện Lục Yên, Văn Yên và Yên Bình.
4. Sở Y tế: Tiếp tục đưa công tác phòng, chống bệnh dại là một trong các nhiệm vụ cần ưu tiên tập trung chỉ đạo về công tác y tế dự phòng của tỉnh trong những tháng cuối năm 2007 và các năm tiếp theo;
- Bố trí cán bộ để phối hợp liên ngành về công tác phòng, chống bệnh dại ở người; chỉ đạo các tuyến y tế xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dại ở người. Giúp các huyện Yên Bình, Văn Yên và Lục Yên xây dựng kế hoạch xử lý ổ dại tiềm ẩn ở các địa phương này, triển khai ngay các hoạt động tiêm phòng bệnh dại cho người.
- Nghiên cứu mở thêm các điểm tiêm phòng bệnh dại tại các huyện, thị xã, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Chủ động có đủ vác xin phòng bệnh dại để đảm bảo nhu cầu tiêm phòng cho người.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dại của địa phương. Riêng huyện Lục Yên, Văn Yên và Yên Bình thành lập Ban chỉ đạo tới cấp xã, khẩn trương khảo sát thực trạng bệnh dại trên đàn chó nuôi và phối hợp với các ngành chức năng công bố dịch để có các giải pháp mạnh trong việc xử lý ổ dại tại Yên Bình, Văn Yên và Lục Yên. Tại các xã có dịch, phải tổ chức tiêu diệt toàn bộ đàn chó theo các quy định của Pháp lệnh Thú y.
- Trên cơ sở hướng dẫn của các ngành chức năng, xây dựng ngay kế hoạch hành động để tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm khống chế, kiểm soát dịch bệnh dại trên đàn chó, không để người bị chó dại cắn bị chết do không thực hiện các biện pháp về y tế.
- Hàng năm bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại tại địa phương.
6. Các ngành chức năng có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Bộ chuyên ngành và của tỉnh về công tác phòng, chống bệnh dại trên người và động vật tại tỉnh.
Yêu cầu các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.
Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái
*Cách phòng chống bệnh dại
Bệnh dại là một bệnh viêm não tủy cấp tính, biểu hiện bệnh cảnh nặng nề, tỷ lệ người mắc bệnh dại khá cao, khi mắc bệnh đa số các trường hợp sẽ tử vong. Trong những năm gần đây, nhờ có vắc xin và huyết thanh phòng dại nên đã hạn chế đáng kể tỷ lệ tử vong, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra do chủ quan và thiếu hiểu biết.
1. Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh do virus dại gây nên, biểu hiện ở động vật có vú, ở Việt Nam virus dại lưu hành chủ yếu do chó nhà, đôi khi xuất hiện ở mèo. Virus dại xuất hiện trong nước bọt của chó, mèo bị dại, trong thời gian từ 3 - 5 ngày, con vật xuất hiện triệu chứng đầu tiên và trong suốt thời gian con vật ủ bệnh, lây sang người qua vết cắn hoặc vết sây xước trên da.
2.Biểu hiện bệnh:
-Thời gian ủ bệnh: Sau khi bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với virus dại qua vết sây xước trên da, bệnh sẽ có thời gian ủ bệnh từ 2 - 8 tuần lễ, có thể ngắn hơn dưới 10 ngày, hoặc kéo dài tới một năm. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào tình trạng vết cắn gần hoặc xa thần kinh trung ương và số lượng virus xâm nhập nhiều hoặc ít.
-Biểu hiện bệnh:
Đầu tiên người bệnh có thể có sốt nhẹ, đau đầu, khó chịu, buồn nôn, có cảm giác đau và tê dại tại vết cắn, nơi virus xâm nhập. Giai đoạn viêm não, người bệnh có biểu hiện kích động, mất ngủ, tăng cảm giác kích thích, sợ gió, sợ ánh nắng, sợ tiếng động, có thể có các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật như: giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, khi uống nước các cơ thanh quản co thắt làm bệnh nhân không uống được. Giai đoạn bệnh tiến triển, người bệnh liệt hai chi dưới, sau đó liệt hai tay, liệt cơ hô hấp và chết. Ở thể điên cuồng, bệnh nhân có những cơn điên co giật, sau liệt cơ hô hấp và chết.
3.Biện pháp xử lý khi bị súc vật cắn:
Rửa thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, rửa nhiều nước, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng cồn, i ốt đậm đặc. Nếu vết thương phải cắt lọc không khâu ngay, chỉ khâu trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày, chỉ tiêm huyết thanh phòng dại khi có chỉ định của bác sỹ.
4.Biện pháp phòng tránh:
-Diệt nguồn lây: Hạn chế nuôi chó, nuôi chó phải xích, nhốt hoặc mang rọ mõm, diệt chó chạy rông, tiêm vắc xin phòng dại cho chó. Khi phát hiện súc vật bị dại phải giết tất cả chó, mèo đã bị súc vật đó cắn, cách ly theo dõi trong vòng 15 ngày. Không mổ súc vật ốm để ăn thịt. Xác súc vật phải được chôn cẩn thận, chuồng phải được tẩy uế.
-Tiêm vắc xin phòng dại: Khi nghi bị súc vật mắc dại cắn, phải tiêm ngay vắc xin phòng dại. Khi tiêm vắc xin cần lưu ý, tiêm sớm ngay sau khi tiếp xúc với virus dại, tiêm đủ liều, tiêm đúng thời gian quy định. Trong thời gian tiêm không làm việc quá sức, không dùng các chất kích thích, không sử dụng các thuốc gây giảm miễn dịch, phụ nữ khi mang thai cần có sự theo dõi của bác sỹ chuyên khoa.
Khi nghi bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với virus dại, hãy đến ngay trung tâm y tế dự phòng huyện, thị, thành phố để được tiêm vắc xin phòng dại và nghe các chỉ dẫn cần thiết.
Trầm Hương
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 154/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Ngày 9-10, Chính phủ vừa ra Nghị định số 149/2007/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Ngày 17-8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2007/NÐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2007.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa ký ban hành Chỉ thị về việc tổ chức Tháng hành động kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm trong toàn quốc từ ngày 10-10 đến 10-11-2007.