Cán bộ, công chức gây thiệt hại tài sản công phải bồi thường
- Cập nhật: Thứ ba, 3/6/2008 | 12:00:00 AM
Cán bộ, công chức gây thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền. Nếu cán bộ, công chức không đủ khả năng bồi thường 1 lần thì sẽ bị trừ 20% tiền lương hàng tháng cho đến khi bồi thường đủ theo quyết định của người có thẩm quyền.
Liên Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức (CBCC).
Theo đó, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định thành lập, Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất phải họp và kiến nghị mức bồi thường và phương thức bồi thường thiệt hại vật chất.
Sau khi có quyết định bồi thường thiệt hại vật chất, nếu phát hiện thêm những tình tiết mới làm thay đổi tính chất và mức độ thiệt hại đã được Hội đồng kết luận thì phải thành lập lại Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất để kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, quyết định lại mức, phương thức và thời hạn bồi thường.
Trường hợp có nhiều CBCC cùng làm mất mát, hư hỏng hoặc gây thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, nếu không xác định được mức độ liên đới chịu trách nhiệm và vi phạm của từng người thì mức bồi thường được chia đều cho từng người.
Đối với trường hợp tài sản đã hết khấu hao mà vẫn còn giá trị sử dụng thì việc xác định mức bồi thường do Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất căn cứ vào giá trị thực tế tại thời điểm xảy ra hư hỏng, mất mát, thiệt hại để xem xét, kiến nghị.
Trách nhiệm vật chất đối với CBCC là trách nhiệm bồi thường bằng tiền của CBCC cho cơ quan, tổ chức, đơn vị bị thiệt hại về tài sản (mất mát, hư hỏng) do CBCC đó.
(Theo Website Chính phủ)
Các tin khác
Ngày 28/5, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý, điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Đó là quy định tại Quyết định 67/2008/QĐ-TTg vừa ban hành của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đối tượng được hưởng chế độ dinh dưỡng này gồm vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) đang tập luyện, huấn luyện tại các trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao, các trường năng khiếu thể thao, các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các VĐV, HLV đang làm nhiệm vụ tại các giải thể thao thành tích cao.
Bộ Y tế vừa ban hành quy định ghi nhãn đối với thuốc lưu thông trong nước, thuốc xuất khẩu và nhập khẩu. Theo đó, những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn thuốc phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ tên biệt dược, tên chung quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 09/2008/QĐ-BCN về việc Ban hành Quy chế tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc Bộ.