Tăng mức phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/6/2009 | 12:00:00 AM

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 54/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng. Theo đó, điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, Nghị định cũng quy định thêm nhiều hành vi vi phạm mới, kịp thời áp dụng trên thực tế.

Hàng hóa khi lưu thông ra thị trường phải đảm bảo về chất lượng cũng như tuân thủ quy định về nhãn mác, xuất xứ.
Hàng hóa khi lưu thông ra thị trường phải đảm bảo về chất lượng cũng như tuân thủ quy định về nhãn mác, xuất xứ.

Cụ thể, phạt tiền từ 7-12 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phương tiện đo khi chưa được phê duyệt mẫu hoặc đã được phê duyệt mẫu nhưng quyết định phê duyệt mẫu hết hiệu lực. Nếu sản xuất phương tiện đo không đúng mẫu phê duyệt sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng (đây là quy định mới bổ sung). Mức phạt này tăng hơn so với mức phạt tại Nghị định 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005.

Mức xử phạt dành cho hành vi vi phạm quy định về đo lường trong sản xuất phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định cao nhất là 25 triệu đồng (không thực hiện kiểm định mà cấp giấy, chứng chỉ cho chuẩn, phương tiện đo) và thấp nhất là 200.000 đồng (vi phạm quy định về đo lường trong hoạt động bán lẻ). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân bị áp dụng thêm các hình thức phạt bổ sung, tùy theo hành vi vi phạm mà buộc khắc phục hậu quả, buộc tiêu hủy giấy chứng nhận có liên quan, thu hồi về ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp, buộc tái xuất hoặc tiêu hủy phương tiện vi phạm, đình chỉ lưu thông hàng hóa vi phạm...

Đối với các hành vi vi phạm hành chính về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; chất lượng sản phẩm hàng hóa, mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng (hành vi xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng), mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng (bán sản phẩm hàng hóa nhưng không công bố tiêu chuẩn áp dụng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định).

Nghị định cũng quy định mức phạt đến 2 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa có nhãn rách nát, mờ nhạt không đọc được nội dung trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn hàng hóa bị sửa chữa, tẩy xóa; bán hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn. Phạt tiền đến 1 triệu đồng khi bán hàng hóa sản xuất trong nước không có nhãn bằng tiếng Việt hoặc nhãn ghi kích thước chữ nước ngoài lớn hơn tiếng Việt. Phạt tiền đến 10 triệu đồng cho hành vi sản xuất, chế biến hàng hóa tại Việt Nam nhưng không ghi nhãn theo quy định.

Nếu tổ chức, cá nhân nào sử dụng mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch thì bị phạt tới 6 triệu đồng (quy định cũ là 3  triệu đồng).

Hành vi tự ý tháo gỡ niêm phong hàng hóa, tang vật vi phạm đang bị cơ quan thanh tra niêm phong hoặc tạm giữ hoặc có hành vi tẩu tán, tiêu hủy hàng hóa vi phạm sẽ chịu mức phạt tới 30 triệu đồng (quy định cũ có mức phạt cao nhất là 7 triệu đồng).

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 31/7/2009.

(Theo HNMO)

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 113 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 66 về quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam.

Cán bộ, công chức, viên chức sẽ phải bồi thường chi phí nếu để xảy ra tình trạng lãng phí điện ở công sở do nguyên nhân chủ quan - đó là nội dung thông tư liên tịch do liên Bộ Tài chính - Công thương vừa ban hành.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 53/2009/NĐ-CP điều chỉnh hoạt động vay, trả nợ nước ngoài thông qua hình thức phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam.

Đó là một trong những điều kiện để trở thành giám đốc sở GT-VT các tỉnh, thành phố được quy định tại Thông tư số 04/2009/TT-BGTVT do Bộ GT-VT vừa ban hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục