Cấp bách chống hạn, phòng chống cháy rừng
- Cập nhật: Thứ ba, 2/3/2010 | 8:09:55 AM
Ngày 1/3, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 298, về việc triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy rừng.
Chỉ thị nêu rõ: Những tháng đầu năm 2010 tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng khô hanh kéo dài, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, hạn hán, xâm nhập mặn, sâu bệnh xảy ra ở hầu hết các địa phương, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp và tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đối phó với tình hình bất lợi của thời tiết, nhưng khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, dịch bệnh và nguy cơ xảy ra cháy rừng vẫn ở mức cao. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay một số biện pháp cấp bách như sau: 1. Tiếp tục triển khai các biện pháp chống hạn bảo đảm sản xuất a) Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: - Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 2101 ngày 16/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 3818 ngày 23/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các biện pháp phòng, chống hạn, khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất vụ Đông - Xuân. - Chỉ đạo rà soát và bổ sung phương án phòng, chống hạn, hướng dẫn các đơn vị chuyên môn lập kế hoạch vận hành của từng hệ thống thủy lợi, thực hiện các biện pháp tích nước, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát và sử dụng lãng phí nguồn nước. Căn cứ vào tình hình cụ thể, khả năng cấp nước, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng cho phù hợp, bảo đảm canh tác hết diện tích, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ Đông - Xuân. - Ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, các ngành công nghiệp, dịch vụ và chăn nuôi gia súc. Đối với vùng cao, vùng ven biển thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, phải xây dựng phương án và giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. - Các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng chỉ đạo lấy nước tập trung khi ngành điện xả tăng nguồn nước từ các hồ chứa để canh tác hết diện tích lúa vụ Đông - Xuân đúng thời vụ, tận dụng các ao hồ và hệ thống kênh trục lớn để chứa nước chuẩn bị cho tưới dưỡng. - Các tỉnh miền Trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn, chống xâm nhập mặn; đồng thời tăng cường theo dõi, dự báo và phòng trừ kịp thời bệnh rầy nâu và bệnh đạo ôn trên cây lúa vụ Xuân. - Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, có biện pháp đề phòng khả năng xâm nhập sâu và kéo dài, áp dụng các biện pháp kỹ thuật về thuỷ lợi và canh tác lúa để hạn chế tác hại của nhiễm mặn; hướng dẫn nông dân chỉ gieo cấy lúa Xuân Hè ở những nơi có đủ nguồn nước tưới; chuẩn bị tốt mọi điều kiện để triển khai kế hoạch sản xuất lúa Hè Thu theo hướng gieo sạ đồng loạt, tập trung và phòng, chống rầy. b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: - Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để hướng dẫn việc xả nước của các hồ chứa, chỉ đạo quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thuỷ lợi, ao, đầm, vùng trũng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước, bảo đảm cung cấp đủ nước cho canh tác nông nghiệp, chú trọng cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp và dịch vụ. - Hướng dẫn nông dân kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng sử dụng tiết kiệm nước để đối phó hiệu quả với tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài; chỉ đạo ngành bảo vệ thực vật theo dõi sát và hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh trên lúa và rau màu: đặc biệt bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa, ngô là bệnh lạ mới xuất hiện ở nước ta. - Chỉ đạo chặt chẽ các địa phương phía Bắc về các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên lúa Đông- Xuân trong điều kiện thời tiết nóng ấm, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn sọc đen; chỉ đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong việc gieo cấy lúa Xuân- Hè và Hè - Thu, nhất là về cơ cấu giống, thời vụ và các biện pháp kỹ thuật để phòng chống dịch bệnh, bảo đảm canh tác năng suất. c) Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam lên kế hoạch phát điện kết hợp xả nước từ các hồ thuỷ điện, bổ sung nước cho hạ lưu, bảo đảm đủ nguồn cho các công trình thuỷ lợi lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông-Xuân, Hè-Thu, nhất là cấp đủ nước cho giai đoạn tưới dưỡng lúa của vùng đồng bằng Sông Hồng; thực hiện các biện pháp bảo đảm cung cấp điện cho các nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng mùa khô. 2. Các biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng a) Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 270 ngày 12/2/2010 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời triển khai nghiêm túc, quyết liệt một số biện pháp sau: - Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nếu để xảy ra cháy rừng tại địa phương nào thì trách nhiệm thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương đó, trước hết là chính quyền cấp xã. - Các địa phương duy trì hoạt động của Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng và xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cộng đồng dân cư. - Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm theo dõi chặt chẽ diến biễn thời tiết nguy hiểm cho phòng, chống cháy rừng, tổ chức cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Khi xảy ra cháy rừng thông báo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền để huy động lực lượng, phương tiện triển khai chống cháy hiệu quả. - Thực hiện cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong thời kỳ khô hanh; chính quyền cấp thôn, cấp xã tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm, khu vực hạn chế đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao. b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc giao đất, giao khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài cho hộ gia đình nông dân và các tổ chức, bảo đảm rừng có chủ quản lý cụ thể để làm tốt chức năng phòng, chống cháy rừng. c) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với cơ quan chuyên ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; đưa tin kịp thời về diễn biến của thời tiết hanh khô, thường xuyên cảnh báo và dự báo nguy cơ cháy rừng để chính quyền và nhân dân biết, phòng ngừa. d) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này. (Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 9 và 10/2/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái có 2 Công điện gửi các cơ quan, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý sử dụng pháo nổ trong dịp tết Nguyên đán Canh Dần 2010 nội dung như sau:
Khách hàng vay được hỗ trợ lãi suất để mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Công chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được đảm bảo từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 03/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (KDBH). Thông tư quy định, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KDBH nếu có sai phạm sẽ bị xử phạt theo luật định.