Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- Cập nhật: Thứ hai, 9/4/2012 | 9:26:23 AM
YBĐT - Trước diễn biến phức tạp của dịch tay chân miệng trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng, ngày 6/4/2012, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 09/CT-UBND “Về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Yên Bái”, giao nhiệm vụ cho ngành y tế - cơ quan thường trực phòng, chống dịch bệnh, Sở Giáo dục - Đào tạo và các ngành liên quan.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời; các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa và qua tiếp xúc; nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Ở Việt Nam, từ đầu năm 2012, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng; tính đến ngày 20/3/2012 đã ghi nhận 15.218 trường hợp mắc tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2011.
Tại Yên Bái, tính đến ngày 04/4/2012 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 161 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2011. Bệnh tăng nhanh kể từ cuối tháng 3/2012 đến nay, tập trung tại các nhà trẻ, mẫu giáo; nghiêm trọng hơn là tại các ổ dịch mới đã phát hiện các trường hợp căn nguyên gây bệnh là vi rút EV71.
Trong khi đó, hiện là thời điểm thời tiết đang chuyển mùa sang mùa hè, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, phát triển và dịch bệnh dễ lây lan rộng. Để tập trung các biện pháp phòng, chống có hiệu quả bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt những nhiệm vụ theo sự phân công cụ thể như sau:
Giao Sở Y tế:
- Chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch cụ thể chi tiết và các phương án phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả; trong đó có kế hoạch về nguồn lực của tỉnh, huyện và tính toán khả năng huy động nguồn lực của các cơ quan, tổ chức và cá nhân phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng; giám sát chặt chẽ, xử lý triệt để các ổ dịch; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, ngăn chặn biến chứng và hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong; chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, điều trị... để kịp thời chẩn đoán và điều trị bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch trên diện rộng; thành lập đội cấp cứu lưu động ở tất cả các tuyến y tế, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị.
- Chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng các tuyến phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ trong các hộ gia đình, nhóm trẻ tập trung, nhà trẻ, mẫu giáo bằng nước xà phòng, hóa chất khử trùng thông thường hoặc Chloramin B. Thống kê phân tích đặc điểm dịch tễ, các yếu tố nguy cơ để tập trung phòng chống dịch có hiệu quả.
- Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng và phối hợp với cơ quan thông tin, tuyên truyền của địa phương xây dựng, chuyển tải các thông điệp truyền thông sâu rộng trong cộng đồng, tuyên truyền các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chú trọng giữ gìn bàn tay sạch để người dân hiểu, tự giác và tích cực hưởng ứng thực hiện vệ sinh phòng bệnh. Việc tuyên truyền phải đến được từng thôn bản, tổ dân phố, hộ gia đình trong cộng đồng.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hàng ngày và khi có diễn biến bất thường với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.
- Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bệnh, đối chiếu với các quy định, điều kiện về công bố dịch tại Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ “về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm” để kịp thời tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm quyền.
Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
- Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tăng cường biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo các trường học, nhà trẻ, trường mầm non phối hợp với y tế cơ sở thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại đơn vị theo các nội dung Kế hoạch số 790/KH-BYT-BGD&ĐT ngày 26/9/2011 của Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp hành động liên ngành y tế - giáo dục về phòng chống dịch tay chân miệng trong trường học. Trong đó lưu ý:
- Chú trọng công tác tuyên truyền về bệnh tay chân miệng, cách phòng chống cho cán bộ quản lý, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, phụ huynh, người chăm sóc trẻ.
- Tăng cường thực hiện vệ sinh cá nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ, học sinh, giáo viên và người chăm sóc trẻ.
- Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường tại tất cả các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ.
- Thực hiện tốt công tác theo dõi sức khỏe của trẻ và học sinh, giám sát phát hiện và quản lý kịp thời các trường hợp mắc và nghi mắc bệnh tay chân miệng.
Các ngành liên quan: Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Tài chính, các sở, ngành thành viên khác của Ban chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố căn cứ vào nội dung Chỉ thị để thực hiện theo nhiệm vụ được phân công trong Chỉ thị này.
Các tin khác
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định một số chế độ đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào sau ngày 30-4-1975.
Tháng 4/2012 sẽ có nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành như quy định về 4 đối tượng được hưởng hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký kết hôn, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành,...
YBĐT - Ngay sau Quyết định 264/QĐ-UBND tỉnh công bố dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, ngày 30/3/2012, UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục ban hành Quyết định 2912/QĐ-UBND “Về việc công bố dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn huyện Văn Chấn". Sau đây là nội dung Quyết định:
YBĐT - Để chủ động phòng, chống lụt, bão (PCLB) và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2012, ngày 22/3/2012, UBND tỉnh Yên Bái đã có Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác này. Sau đây là nội dung của Chỉ thị.