Ukraine tổng động viên, sẵn sàng chiến tranh

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/3/2014 | 7:46:53 AM

Chính quyền Ukraine hôm 2/3 thông báo triệu tập quân dự bị và đặt tất cả các lực lượng vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất, sau khi Nga quyết định cho phép triển khai quân đội trên bán đảo Crimea.

Binh sĩ Nga (ảnh dưới) và binh sĩ Ukraine có đối đầu?
Binh sĩ Nga (ảnh dưới) và binh sĩ Ukraine có đối đầu?

Hội đồng An ninh Ukraine hôm 2/3 ra lệnh cho Bộ Tổng tham mưu ngay lập tức đặt tất cả các lực lượng vũ trang vào trạng thái cảnh báo cao nhất, Chủ tịch Hội đồng, ông Adriy Parubiy, thông báo. Bộ Quốc phòng Ukraine được lệnh gọi nhập ngũ nhiều đối tượng, có thể gồm tất cả nam giới trưởng thành từ 40 tuổi trở xuống. Ước tính, tổng số lính dự bị vào khoảng 1 triệu. Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov ra lệnh tăng cường an ninh tại các địa điểm trọng yếu, bao gồm các nhà máy điện hạt nhân.

Nga quyết bảo vệ công dân, lợi ích ở Crimea

Ngày 2/3, lực lượng biên phòng Ukraine thông báo đã quyết định điều hai tàu chiến ở hai cảng Kerch và Sevastopol tại Crimea tới hai cảng khác ở Biển Đen, Reuters đưa tin. Đây là dấu hiệu cho thấy phía Nga đã kiểm soát hoàn toàn Crimea. 

 

Nga khẳng định có quyền bảo vệ những người dân nói tiếng Nga đang sống ở Crimea. 

Hôm qua, sử dụng 13 xe quân sự, 4 xe bọc thép được trang bị súng máy, hàng trăm tay súng chưa rõ danh tính bao vây một căn cứ quân sự của Ukraine ở Crimea, ngăn binh sĩ Ukraine rời khỏi đơn vị, hãng tin Mỹ AP đưa tin. Trước đó, AP đưa tin, phóng viên của họ có mặt tại Crimea nhìn thấy một đoàn xe hơn chục chiếc chở hàng trăm binh sĩ Nga trên đường từ thành phố Sevastopol tới thủ phủ Simferopol của Crimea. 

AP dẫn lời nhiều nhân chứng nói rằng, các binh sĩ Nga đã nắm quyền kiểm soát Crimea từ ngày 1/3 mà không tốn viên đạn nào. Nhiều quân nhân Ukraine đóng tại bán đảo Crimea đang đồng loạt rời bỏ đơn vị của họ để nộp vũ khí cho chính quyền và lực lượng dân quân ủng hộ Nga.

Nhiều binh sĩ Nga vẫn có mặt ở miền nam Ukraine, tại căn cứ hải quân của Hạm đội Biển Đen mà Nga đang thuê. Reuters đưa tin, quân đội Nga đã tước bỏ vũ khí của lực lượng Ukraine đóng tại một số căn cứ nhỏ ở Crimea, còn một số chỉ huy Ukraine từ chối nộp vũ khí và căn cứ của họ đã bị bao vây. Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây chào đón sự hiện diện của quân Nga.

Trước đó, Thượng viện Nga đồng thuận thông qua đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin nhằm đưa quân đội đến khu vực có phần lớn dân số là người Nga ở Crimea. Ông Putin cho rằng, việc này là để đối phó mối đe dọa đối với cuộc sống của các công dân và lực lượng vũ trang Nga đang đóng tại căn cứ hải quân trên bán đảo này.

Trên cương vị Tư lệnh Tối cao của các Lực lượng Vũ trang Nga, ông Putin vẫn chưa phát lệnh triển khai “lực lượng hạn chế” ở Ukraine. Nhưng trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Mỹ Barack Obama sáng 2/3, ông Putin nói rằng, Mátxcơva giữ quyền bảo vệ lợi ích của mình và những người dân nói tiếng Nga khi bạo lực nổ ra ở vùng đông Ukraine và Crimea, theo hãng tin Nga Ria-Novosti. 

Tổng thống Obama bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với sự xâm phạm của Nga đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, hãng tin Anh Reuters dẫn thông báo của Nhà Trắng.

Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk tuyên bố, hành động vũ trang của Nga “sẽ là khởi đầu của một cuộc chiến và chấm dứt bất kỳ mối quan hệ nào giữa Ukraine và Nga”. Ông Yatsenyuk thúc giục ông Putin rút quân khỏi Ukraine trong cuộc xung đột khiến hai nước “bên bờ vực thảm họa”. 

Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya nói rằng, ông đã gửi yêu cầu đến NATO để khối này “kiểm tra mọi khả năng có thể bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”. Ukraine cũng kêu gọi giúp đỡ từ Anh và Mỹ.

Theo kế hoạch, các đại sứ của NATO họp tại Bỉ hôm 2/3 để thảo luận tình hình ở Ukraine. Những hành động Nga đang thực hiện ở đe dọa hòa bình và an ninh ở châu Âu, Reuters dẫn lời của Tổng Thư ký NATO Anders Rasmussen trong văn bản tuyên bố trước cuộc họp. 

Washington đề xuất đưa chuyên gia giám sát tới Ukraine dưới danh nghĩa Liên Hợp Quốc hoặc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - những tổ chức mà Mátxcơva có quyền phủ quyết.

Mỹ cảnh cáo Nga: “Sẽ phải trả giá rất đắt”

Ngày 2/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ NBC: “Cái giá (mà Nga) phải trả sẽ rất đắt. Mỹ có liên minh, Nga sẽ bị cô lập”. Ông Kerry cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, nếu can thiệp quân sự vào Ukraine, Nga sẽ không thể tổ chức hội nghị nhóm các nước phát triển G8 vào tháng 6 tại thành phố Sochi của Nga. 

Tài sản của ông Putin sẽ bị phong tỏa, doanh nghiệp Mỹ có thể ngừng đầu tư vào Nga, đồng tiền của Nga có thể bị mất giá, Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo. Hôm qua, Ngoại trưởng Anh William Hague thông báo, Anh đã rút khỏi cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8. 

“Anh sẽ cùng với các nước G8 khác ngừng hợp tác trong khuôn khổ G8, nơi Nga làm chủ tịch năm nay”, ông Hague nói với báo giới, báo Anh The Telegraph đưa tin. Pháp cũng ngừng tham gia hội nghị trù bị G8.

Trước đó, ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lên tiếng cảnh báo Nga trước khả năng Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, CNN đưa tin. Các biện pháp trừng phạt có thể là hủy tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8, ngừng các đàm phán về thương mại…

Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân nước này hoãn các chuyến thăm không cần thiết tới Ukraine. Thủ tướng Canada Stephen Harper hôm 1/2 tuyên bố có thể đứng về phía Washington để tẩy chay cuộc họp thượng đỉnh G8, đồng thời triệu hồi đại sứ về nước trước sự can thiệp của Nga vào Ukraine.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Séc và Bộ Ngoại giao Litva triệu các đại sứ Nga đến để tham vấn, sau khi Nga quyết định triển khai binh sĩ đến Crimea.

Nguy cơ lan rộng xung đột

Giới chức Nga nhắc lại nhiều lần rằng, những người nói tiếng Nga đang đối mặt mối nguy hiểm cấp bách. Hãng tin Nga Itar-Tass trích nguồn lực lượng bảo vệ biên giới Nga nói rằng, có tới 670.000 người đã bỏ Ukraine sang Nga trong vòng 2 tháng qua và có những dấu hiệu của một “thảm họa nhân đạo”. 

Bản đồ Ukraine với bán đảo Crimea được khoanh tròn. Ảnh: Planet Images

Nếu tình trạng hỗn loạn ở Ukraine tiếp tục, hàng trăm nghìn người dân nước này sẽ vượt qua biên giới Nga. Khu vực Rostov của Nga đã chuẩn bị chỗ ở tạm thời cho người tị nạn vì hàng nghìn người Ukraine muốn ở lại Nga vô thời hạn, Thống đốc khu vực Rostov Vasily Golubev nói ngày 2/3.

Theo Reuters, chưa có dấu hiệu quân đội Nga có hành động quân sự bên ngoài bán đảo Crimea. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, có nguy cơ xung đột sẽ lan ra những khu vực còn lại của đất nước, khi các cuộc biểu tình ở những thành phố miền đông hôm 1/3 đã biến thành bạo lực. 

Những người biểu tình vẫy cờ Nga trên các tòa nhà chính quyền ở thành phố Kharkov, Donetsk, Odessa và Dnipropetrovsk. Trong đó, tình hình ở Kharkov tồi tệ nhất, với nhiều người bị thương trong lúc hàng ngàn người ủng hộ Nga xông vào trụ sở chính quyền khu vực rồi xung đột với một nhóm nhỏ ủng hộ chính quyền mới của Ukraine.

Ngày 2/3, tại nhiều thành phố của Nga như Mátxcơva, St. Petersburg, Krasnodar, nhiều tổ chức dân sự tổ chức các hoạt động ủng hộ cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine, Itar-Tass đưa tin. Trong đó có cuộc tuần hành bằng ôtô và môtô ở Mátxcơva, tụ tập hàng chục nghìn người tại quảng trường ở St. Petersburg…

CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ “ĐIỂM NÓNG” UKRAINE 

Giáo hoàng kêu gọi cầu nguyện hòa bình Ukraine

Ngày 2/3 tại Rome, Giáo hoàng Francis kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ tất cả các sáng kiến xây dựng đối thoại hòa bình ở Ukraine, hy vọng các bên ở nước này đoàn kết, cùng hướng tới tương lai, BBC đưa tin. Đồng thời, Giáo hoàng kêu gọi những người theo Công giáo và các tôn giáo khác cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine. Ngày 26/1, người đứng đầu Vatican kêu gọi các bên trong cuộc bạo động ở Kiev chấm dứt bạo lực, đàm phán hòa bình.

Trước nhận định phương Tây đã không phản ứng mạnh hơn trước các động thái của Nga ở Ukraine, Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua tuyên bố: “Phản ứng của chúng tôi là ngoại giao, hòa bình và phải là như thế”, AFP đưa tin.

Kiev sẽ thương lượng với Mátxcơva

Ngày 2/3, Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền của Ukraine, ông Igor Tenyukh, nói bộ này sẵn sàng thảo luận với Bộ Quốc phòng Nga về tình hình ở Crimea. Trong khi đó, ứng viên hàng đầu cho cuộc bầu cử tổng thống Ukraine sắp tới, cựu võ sĩ quyền Anh nhà nghề Vitali Klitschko, vừa phát biểu trên truyền hình nước này rằng, chính phủ tạm quyền Ukraine đang thành lập một ủy ban đặc biệt để thương lượng với Nga, nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Crimea thông qua đối thoại chính trị, The Telegraph đưa tin ngày 2/3. “Chúng ta phải giải quyết vấn đề này mà không sử dụng bạo lực. Chỉ có cách tham vấn mới tránh được đổ máu”, ông Klitschko nói. Hôm qua, Quốc hội Ukraine đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét lại việc tăng cường triển khai quân ở Crimea, ra lệnh rút các đơn vị Nga về căn cứ.

Tối 2/3, xuất hiện trong một video, Tư lệnh Hải quân Ukraine mới được bổ nhiệm, tướng Denys Berezovsky, tuyên bố cam kết trung thành với “người Crimea”, bảo vệ họ. Sau tuyên bố của ông Denys Berezovsky, Bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố sa thải Tư lệnh hải quân.

(Theo TPO)

Các tin khác
Cầu Penang thứ hai ở Malaysia là cây cầu dài nhất Đông Nam Á.

Tối 1/3, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đã khai trương cầu Penang thứ hai, cây cầu dài nhất Đông Nam Á, với sự có mặt của hơn 10.000 người chứng kiến sự kiện lịch sử của đất nước.

Bên ngoài trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào 23h (2h ngày 2/3 giờ Việt Nam) liên quan đến việc Nga gửi quân tới Ukraine. Dự kiến ngày 3/3, Liên minh châu Âu cũng tổ chức một cuộc họp giữa các thành viên theo đề nghị của chính quyền Ukraine.

Người Ukraine tham gia biểu tình chống Nga trước Đại sứ quán Mỹ ở Kiev.

Yêu cầu này của Ukraine được đưa ra vài giờ sau khi Thượng viện Nga phê chuẩn việc triển khai quân tại Ukraine.

Hiện trường vụ tấn công.

Hơn 10 người cầm dao xông vào nhà ga Côn Minh rồi đâm chết hàng chục người và làm bị thương hơn 100 người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục