Khủng hoảng Ukraine: 7 cường quốc đồng loạt "tấn công” Nga
- Cập nhật: Thứ ba, 4/3/2014 | 7:55:38 AM
7 trong số 8 cường quốc hàng đầu thế giới trong nhóm G8 hôm nay 3/3 đã đồng loạt lên án cường quốc còn lại là Nga về những hành động ở Ukraine gần đây. Đồng thời, các nước này cũng tuyên bố tạm ngừng hoạt động chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới đây ở thành phố Sochi của nước Nga.
7 cường quốc hàng đầu thế giới đang gây sức ép đòi Nga phải đi theo hướng của họ, ủng hộ chính quyền lâm thời mới ở Ukraine.
|
Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ, Vương Quốc Anh, Hội đồng Châu Âu và Uỷ ban Châu Âu đã cùng ký vào một tuyên bố hướng mũi chỉ trích về phía Nga.
Tuyên bố của nhóm G7 viết: “Chúng tôi gồm lãnh đạo của các nước Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ, Vương Quốc Anh, cùng với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, hôm nay cùng nhau lên án Nga về hành động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
"Trong thời gian tới, chúng tôi quyết định tạm ngừng việc tham gia vào các hoạt động chuẩn bị liên quan đến hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi vào tháng 6 tới”.
Binh lính Nga đã giành quyền kiểm soát các địa điểm chiến lược trên khắp bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine kể từ hối cuối tuần vừa rồi và Quốc hội Nga đã thông qua yêu cầu của Tổng thống Putin về việc đưa quân vào Ukraine hôm 1/3.
Nhóm các cường quốc G7 kêu gọi Nga tiến hành đàm phán trực tiếp với Ukraine hoặc với sự tham gia của cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề nhân quyền cũng như mối quan ngại an ninh của nước này.
Các Bộ trưởng Tài chính G7 cũng tuyên bố, họ sẵn sàng “cung cấp sự hậu thuẫn về tài chính mạnh mẽ để ủng hộ Ukraine". "Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn là tổ chức chuẩn bị tốt nhất để giúp Ukraine giải quyết ngay lập tức các thách thức kinh tế thông qua việc tài trợ nguồn vốn và cố vấn chính sách”, tuyên bố của G7 cho hay.
Ukraine đang cần 35 tỉ USD cho 2 năm tới, Bộ Tài chính lâm thời ở quốc gia Đông Âu cho biết.
Các hoạt động ngoại giao quốc tế đang được đẩy lên cao trong những ngày gần đây khi căng thẳng ở Ukraine leo thang. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry miêu tả hoạt động triển khai quân của Nga ở Ukraine như một hành động “xâm lược” trong cuộc trả lời phỏng vấn trên chương trình “Gặp gỡ Báo chí” của NBC ngày hôm qua (2/3) đồng thời đe doạ sẽ cô lập kinh tế Nga.
Tổng thống Putin hôm qua đã có một loạt các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, website của điện Kremlin cho hay.
Đã có những lời kêu gọi về việc loại Nga ra khỏi nhóm nước G8 nhưng Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, Berlin hoàn toàn không ủng hộ một động thái như thế bởi nó sẽ cắt đứt kênh liên lạc trực tiếp với điện Kremlin. Nga gia nhập vào G8 năm 1997.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bên lề của phiên họp Liên hỢp Quốc ở Geneva trong ngày hôm nay (3/3), Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Tuy nhiên, nỗ lực của các nhà lãnh đạo thế giới dường như không mấy thành công trong việc hạn chế sự hiện diện quấnuwj của Nga ở Ukraine. Trong khi đó, Nga được cho là đang tăng cường nỗ lực giải trừ vũ khí của các đơn vị quân sự của Ukraine ở Crimea.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, Thủ tướng Merkel đã nói với ông chủ Nhà Trắng Obama rằng, Nhà lãnh đạo Nga “đang ở một thế giới khác” và không tiếp xúc với thực tế, Tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết.
Trong khi đó, chính phủ lâm thời mới ở Kiev miêu tả hành động của Nga như một cuộc xâm lược. Ukraine đã đặt quân đội vào tình trạng báo động cao và ra lệnh tổng động viên toàn bộ quân dự bị.
Ukraine kêu gọi Tổng thống Putin bỏ kế hoạch can thiệp quân sự
Trong lúc này, giới nghị sĩ Ukraine hôm qua đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét lại kế hoạch triển khai thêm quân đến Crimea để tránh làm leo thang quân sự trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở đất nước Ukraine.
Verkhovna Rada - Quốc hội Ukraine cũng kêu gọi Tổng thống Putin ra lệnh rút quân Nga đang đóng tại Crimea trở về các căn cứ của họ.
“Bất kỳ hoạt động điều chuyển binh lính, phương tiện và vũ khí nào đều nên được thực hiện theo các thoả thuận ký với giới chức có thẩm quyền của Ukraine, với các thoả thuận và luật pháp Ukraine”, Quốc hội Ukraine đã tuyên bố như vậy trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua.
Trong khi đó, ông Vitali Klitschko - ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử tổng thống Ukraine vào ngày 25/5 tới, cho biết, giới cầm quyền lâm thời mới ở Kiev có kế hoạch thành lập một uỷ ban đặc biệt để khởi động các cuộc đàm phán với Nga nhằm tháo ngòi căng thẳng hiện nay và giải quyết cuộc đối đầu ở Crimea thôngq qua đối thoại chính trị.
“Lúc này, chúng ta cần phải tiến hành các cuộc đàm phán. Chúng ta phải giải quyết vấn đề mà không sử dụng đến vũ lực hay vũ khí. Chúng ta phải thông qua các cuộc tham vấn đề tránh đổ máu”, ông Klitschko cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình “1+1” của Ukraine.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Ba kẻ tình nghi còn lại tham gia vào vụ thảm sát ở nhà ga Côn Minh hôm thứ Bảy đã bị cảnh sát bắt giữ. Vụ tấn công đã khiến 29 người thiệt mạng và khoảng 130 người bị thương.
Sáng nay (3/3), Bình Nhưỡng tiếp tục bắn hai quả tên lửa tầm ngắn ra vùng biển phía Đông của bán đảo Triều Tiên. Vụ bắn tên lửa này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn 4 quả tên lửa hồi tuần trước.
Lễ hội Carnival ở thị trấn cao nguyên Oruro của Bolivia đã bất ngờ biến thành thảm họa khi một chiếc cầu dựng tạm đổ sập ngay trong lễ khai mạc làm bốn người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương.
Anh và Pháp tuyên bố không tham gia các cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G8 ở Nga, trong khi NATO lên án việc Moscow đưa quân vào Crimea là đe dọa "hòa bình và an ninh của châu Âu".