Cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba
- Cập nhật: Thứ hai, 13/4/2015 | 7:47:04 AM
Trong một động thái có ý nghĩa lịch sử, ngày 11-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) và Chủ tịch Cuba Raul castro (Ra-ul Ca-xtơ-rô) đã tiến hành cuộc hội đàm tại Panama. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo hai nước trong 56 năm qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul castro.
|
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul diễn ra trong hơn 1 giờ tại một phòng họp báo của trung tâm Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 ở thủ đô Panama City. Mở đầu cuộc hội đàm, Tổng thống Obama đã cảm ơn Chủ tịch Cuba về tinh thần cởi mở đối với Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ tái khẳng định chính sách áp dụng hơn 50 năm qua của Washington đối với La Habana “đã lỗi thời và không hiệu quả”, đồng thời nhấn mạnh nay là thời điểm gác lại quá khứ để bắt đầu con đường mới hướng tới một trang mới cho quan hệ hai nước trong tương lai. Ông cho rằng ưu tiên hiện nay là mở các đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước. Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Obama cũng tuyên bố ông không cho rằng Cuba có mối liên quan nào tới chủ nghĩa khủng bố và ông sẽ quyết định vấn đề đưa La Habana ra khỏi danh sách này trong “ít ngày tới”. Tuy nhiên, ông Obama thừa nhận “vẫn còn một số bất đồng lớn giữa hai bên”, như vấn đề nhân quyền và tự do báo chí.
Cũng về cuộc gặp lịch sử này, phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh cho biết, bày tỏ sự đồng tình với các quan điểm của Tổng thống Obama, Chủ tịch Cuba Raul castro đã nêu bật sự cần thiết phải đối thoại về mọi đề tài liên quan tới quan hệ song phương, bao gồm cả những bất đồng và quan điểm trái ngược. Chủ tịch Cuba tái khẳng định mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt trong lịch sử quan hệ phức tạp giữa 2 bên, “nhưng chúng tôi đang sẵn sàng để tiến lên”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các bước tái thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có việc mở đại sứ quán và thúc đẩy trao đổi giữa nhân dân 2 nước, cũng như “tất cả những gì mà 2 quốc gia láng giềng có thể làm”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Cuba cũng cho rằng quá trình bình thường hóa quan hệ song phương sẽ đòi hỏi các bên phải “hết sức kiên nhẫn".
Cuộc hội đàm lịch sử trên diễn ra gần 4 tháng sau khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương sau hơn nửa thế kỷ đối địch. Sau tuyên bố trên, hai nước đã nhanh chóng có những bước đi cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến trình này, đặc biệt là 3 vòng đối thoại về nối lại quan hệ được tổ chức lần lượt Washington và La Habana thời gian qua và cuộc đối thoại về nhân quyền lần đầu tiên giữa hai bên mới đây.
Tham dự cuộc hội đàm ngày 11-4 còn có Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Susan Rice (Su-dân Rai-xơ); Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách Tây Bán Cầu Roberta Jacobson (Rô-bơ-ta Gia-cốp-xơn), cùng 2 quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ là Ben Rhodes (Ben Rô-đơ) và Ricardo Zuniga (Ri-ca-đô Du-ni-ga). Về phía Cuba có Ngoại trưởng Bruno Rodríguez (Bru-nô Rô-đri-ghết), Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal (Hô-xê-phi-na Vi-đan), và các quan chức trong Ủy ban An ninh và Quốc phòng Alejandro castro Espín (A-lếch-gian-đrô Ca-xtơ-rô Ét-pin) và Juan Francisco Arias (Hoan Phran-xi-xcô A-ri-át).
(Theo QĐND)
Các tin khác
Ít nhất một sinh viên thiệt mạng và khoảng 140 người bị thương trong một vụ giẫm đạp tại khu ký túc xá Đại học Nairobi sau khi máy biến thế phát nổ khiến nhiều người lầm tưởng trường học bị tấn công.
Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hành quyết 33 người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, ở gần thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, miền Tây Iraq.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dự kiến sẽ chính thức công bố chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của mình vào ngày 12/4 tới.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngày 9/4 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen và Syria. Phát biểu từ trụ sở LHQ tại New York, Mỹ, ông Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên tại Yemen cần quay trở lại đàm phán về một giải pháp chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng gia tăng tại quốc gia Tây Nam Á này.