Sách Trắng ODA Nhật Bản nhấn mạnh ủng hộ ASEAN về an toàn hàng hải
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/3/2016 | 2:26:51 PM
Trong Sách Trắng về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản vừa được công bố ngày 11/3, chính phủ nước này nêu bật tầm quan trọng của việc hỗ trợ 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Nhật Bản tại Malaysia tháng 8/2015
|
Theo đánh giá của hãng tin Kyodo (Nhật Bản), đây được xem là động thái của Tokyo nỗ lực bảo đảm an toàn của các tuyến đường biển quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động, gây lo ngại cho tự do hàng hải trên Biển Đông. Kyodo đánh giá: “Các tuyến đường biển trải dài từ eo biển Malacca đến Biển Đông được Nhật Bản xem là một tuyến đường vận chuyển dầu mỏ và nhiều mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tiến hành cải tạo đất với quy mô lớn và tốc độ nhanh trên biển, coi như một cách để khẳng định chủ quyền lãnh thổ đã và đang tạo ra những căng thẳng trong khu vực, gây lo ngại cho các nước láng giềng. Điều đó cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh hoạt động quân sự hóa Biển Đông”.
Trong Sách Trắng mới nhất vừa được công bố, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh: "Các nước ASEAN là một khu vực cực kỳ quan trọng về cả hai khía cạnh chính trị và kinh tế khi họ nằm dọc theo tuyến đường biển của Nhật Bản và có các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ" với nhiều công ty Nhật Bản đang hoạt động tại các quốc gia này. "Sự ổn định và phát triển của khu vực này sẽ có ảnh hưởng lớn đến an ninh và thịnh vượng của Nhật Bản” – Sách Trắng nêu rõ.
Theo Sách Trắng ODA, viện trợ của Nhật Bản cho ASEAN sẽ bao gồm các lĩnh vực như: Phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố luật pháp và an toàn hàng hải.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, Sách Trắng cho biết, Nhật Bản dự định thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nhằm “đưa châu Á trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, tạo công ăn việc làm và cung cấp công nghệ cho người dân địa phương.
Nhật Bản có kế hoạch mở rộng viện trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á, nỗ lực đạt được kết quả "không chỉ về chất lượng mà còn về số lượng". Đến năm 2020, Nhật Bản cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ nâng tổng số vốn đầu tư vào châu Á lên khoảng 110 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với mức hiện nay.
Báo cáo cho thấy, tổng số vốn ODA của Nhật Bản vào năm 2014 ở mức khoảng 15,71 tỷ USD, giảm 30,3% so với năm trước đó và xếp thứ 4 sau Mỹ, Anh và Đức. Các nước Đông Nam Á nằm trong số những quốc gia chủ chốt nhận viện trợ ODA của Nhật Bản.
Năm trước, Nhật Bản đã lần đầu tiên sửa đổi Điều lệ Hợp tác Phát triển kể từ năm 2003, theo đó nêu bật chủ trương sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển cho nước ngoài để bảo vệ các lợi ích quốc gia trong bối cảnh môi trường toàn cầu thay đổi.
Theo Điều lệ, viện trợ của Nhật Bản có thể được sử dụng để hỗ trợ các lực lượng vũ trang nước ngoài trong hoạt động phi chiến đấu như: Cứu trợ thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng và các hoạt động bảo vệ bờ biển. Cho đến khi sửa đổi, ODA của Nhật Bản đã thường được giải ngân cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo ở các nước tiếp nhận.
(Theo Dangcongsan.vn)
Các tin khác
Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho hay, lạm phát của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng ở mức cao nhất kể từ giữa năm 2014.
Bộ trưởng nội vụ Áo nói lộ trình qua các nước vùng Balkan của người tị nạn sẽ bị đóng vĩnh viễn và họ không nên nuôi hi vọng về hành trình này nữa.
Ủy ban Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Paris (ACP) vừa tổ chức buổi gặp mặt thân mật chào mừng sự ra đời của cộng đồng ASEAN (AEC).
Ngày 10/3, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lên tiếng kêu gọi Iran và CHDCND Triều Tiên chấm dứt các hành động làm căng thẳng tình hình khu vực.