Khủng bố đang thay đổi châu Âu

  • Cập nhật: Thứ bảy, 26/3/2016 | 11:00:17 AM

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, Châu Âu một lần nữa phải đối phó với nhiều nguy cơ an ninh nghiêm trọng. Vụ khủng bố kinh hoàng vừa qua xảy ra tại Brussels - nơi được coi là thủ đô, trung tâm của châu Âu - chỉ sau thảm họa Paris 4 tháng, là hồi chuông cảnh báo cho những lỗ hổng an ninh tại Lục địa già.

Châu Âu đang phải đối mặt những nguy cơ an ninh nghiêm trọng.
Châu Âu đang phải đối mặt những nguy cơ an ninh nghiêm trọng.

Các cuộc tấn công khủng bố cho thấy một châu Âu đang bất an hơn, gây lo ngại, hoang mang cho người dân vốn có cuộc sống thanh bình trong nhiều thập niên qua.

Sau loạt vụ tấn công đẫm máu tại thủ đô Brussels của Bỉ khiến 31 người chết, hơn 300 người bị thương, nhiều nước châu Âu đã ngay lập tức có những phản ứng nhằm bảo đảm an ninh.

Cảnh sát Đức đã tăng cường các biện pháp kiểm soát tại Sân bay Frankfurt, sân bay quốc tế lớn nhất Đức với việc triển khai gần 2.500 nhân viên an ninh. Pháp cũng ngay lập tức tăng cường bảo vệ tại các sân bay ở thủ đô Paris, đồng thời huy động 1.600 sĩ quan cảnh sát tại các khu vực biên giới và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tất cả các sân bay lớn của Italia, trong đó lớn nhất là Fiumicino ở thủ đô Rome và Malpensa ở Milan, đều được đặt trong tình trạng an ninh khẩn cấp với sự có mặt của quân đội và cảnh sát ở khắp nơi.

Còn tại Anh, nước này vẫn duy trì cảnh báo khủng bố ở mức "nghiêm trọng", mức cao thứ hai trong thang báo động khủng bố đồng nghĩa với việc một vụ tấn công khủng bố có khả năng cao xảy ra ở nước này. Nhiều quốc gia khác như Hà Lan, Séc,… cũng đã ngay lập tức thắt chặt giám sát an ninh, kiểm soát biên giới.

Điều này không giống những gì vẫn diễn ra tại châu Âu yên bình và không biên giới. Cùng với đó, ngày càng xuất hiện những ý kiến ngờ vực về khả năng kiểm soát an ninh tại nhiều quốc gia Châu Âu. Các chuyên gia cho hay, gần 500 người đã rời Bỉ để đến Syria và Iraq kể từ năm 2012.

Không những Bỉ mà nhiều nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Anh… đều có các công dân ra nước ngoài tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mặt khác, với hàng trăm nghìn người từ các nước Trung Đông, Bắc Phi, đặc biệt là từ Afghanistan, Syria, Iraq, Lybia… tràn vào Lục địa già thời gian qua trong một làn sóng di cư ồ ạt, chưa có gì bảo đảm sẽ không có phần tử cực đoan nào trà trộn, xâm nhập để tạo vỏ bọc hoạt động lâu dài.

Dù các cơ quan an ninh châu Âu luôn cố gắng giám sát mọi động tĩnh của những nghi can khủng bố nhưng đây quả thật không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi số đối tượng cần theo dõi ngày càng nhiều và trộn lẫn vào các nhóm tội phạm có tổ chức.

Các vụ khủng bố vừa qua còn là một đòn giáng mạnh vào lực lượng cảnh sát cũng như giới quan chức tình báo châu Âu. Nhiều tháng qua, lực lượng cảnh sát Bỉ đã tiến hành các chiến dịch khắp Brussels nhằm triệt phá mạng lưới phần tử cực đoan.

Thế nhưng, họ vẫn không thể ngăn chặn các cuộc tấn công. Không chỉ có vậy, việc xác định được danh tính của các nghi phạm khủng bố ở Bỉ cũng khiến lực lượng an ninh châu Âu "giật mình".

Trong cuộc họp báo mới đây, công tố viên Liên bang Bỉ Frederic Van Leeuw khẳng định, hai anh em nhà El Bakraoui đã thực hiện vụ đánh bom tự sát tại Sân bay Zavantem và ga tàu điện ngầm ở Brussels. Điều này đã khiến giới chức Bỉ "lúng túng" khi mới năm ngoái, họ đã nhận được cảnh báo từ Thổ Nhĩ Kỳ về mối nguy hiểm của anh em nhà El Bakraoui.

Bên cạnh đó, những khoản cắt giảm ngân sách lớn trong cơn suy thoái kinh tế cũng tạo ra một thách thức nữa cho châu Âu trong việc xác định cũng như triệt phá các mạng lưới khủng bố.

Ông Yan St-Pierre, Giám đốc điều hành, chuyên gia phản gián thuộc Nhóm tư vấn An ninh hiện đại, một công ty tình báo tư nhân ở Berlin (Đức) cho rằng, chính phủ các nước châu Âu đang ngày càng phụ thuộc vào những phương pháp theo dõi công nghệ cao, tốn kém.

Hệ quả của việc cắt giảm ngân sách trong khoảng 5 - 6 năm qua là ngày càng có ít người làm công việc theo dõi các nghi phạm khủng bố và tạo khoảng trống cho chúng lợi dụng.

Trong bối cảnh phải đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế suốt nhiều năm qua, bế tắc trong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, nguy cơ khủng bố và bất ổn an ninh thực sự tạo thêm những gánh nặng đè lên Lục địa già.

Tuy nhiên, thực trạng này cũng đặt ra cho Châu Âu những yêu cầu cấp thiết phải nhanh chóng có những cơ chế mới, toàn diện và mạnh mẽ hơn nhằm bảo đảm sự bình an của người dân và những giá trị về một Châu Âu an toàn và thịnh vượng.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (phải, hàng thứ 2) phát biểu trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ của Quốc hội ở Kiev ngày 16/2.

Ngày 25/3, các đảng phái trong Quốc hội Ukraine bắt đầu đàm phán thành lập liên minh cầm quyền mới và chính phủ mới.

15 thành viên HĐBA LHQ bỏ phiếu ngày 2/3 tại trụ sở chính ở New York, Mỹ.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vừa thông qua nghị quyết mới nhằm tăng thêm thời hạn hoạt động cho nhóm chuyên gia phụ trách giám sát về các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một cuộc diễn tập của Quân đội Nhân dân Triều Tiên tại địa điểm chưa xác định được công bố ngày 20/3.

Triều Tiên hôm nay tuyên bố thử thành công một tên lửa dùng nhiên liệu rắn, trong khi đó, tổng thống Hàn Quốc yêu cầu quân đội sẵn sàng đối phó với mọi "sự khiêu kích" từ Bình Nhưỡng.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Myanmar.

Theo Tân hoa xã, ngày 24/3, Quốc hội Liên bang Myanmar đã thông qua danh sách gồm 18 bộ trưởng được Tổng thống đắc cử Htin Kyaw đề cử để điều hành 21 bộ của chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục