Liên hợp quốc khẳng định quyết tâm thanh toán dịch bệnh thế kỷ
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2016 | 2:12:23 PM
Đêm 9/6 (theo giờ Việt Nam), tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) đã diễn ra phiên họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ về HIV/AIDS.
Tham dự phiên họp có Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp các nước trên thế giới. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm dẫn đầu cũng đã tham gia hội nghị này.
Tại phiên họp, các nước thành viên đã thông qua tuyên bố chính trị đẩy nhanh nỗ lực, hành động nhằm hoàn tất mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Các nước cũng ghi nhận dịch bệnh có xu hướng suy giảm trong thập kỉ qua, nhưng vẫn có đến 36,7 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với HIV/AIDS, đa phần trong số này tập trung ở khu vực tiểu sa mạc Sahara thuộc châu Phi; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp đỡ những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV.
Tuyên bố chính trị lần này cũng đề ra 3 mục tiêu cần hoàn tất đến năm 2020 đó là: giảm số ca nhiễm HIV mới; giảm tỷ lệ tử vong và chấm dứt phân biệt, kì thị đối với những người nhiễm HIV.
Là một quốc gia đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc phòng chống đại dịch AIDS, Việt Nam đã có tiếng nói quan trọng tại hội nghị. Theo đó, Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ cùng với các quốc gia chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, đóng góp tích cực vào các cuộc thảo luận của LHQ nhằm tìm giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, cũng như thúc đẩy hợp tác, sự hỗ trợ của các quốc gia đối với chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.
(Theo VTV)
Các tin khác
Trận động đất có cường độ 6,1 độ Richter xảy ra ở miền tây Nicaragua nhưng chấn động được cảm nhận ở Honduras, El Salvador, thậm chí Costa Rica.
Rạng sáng 10/6 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Obama đã chính thức lên tiếng ủng hộ bà Hillary Clinton làm đại diện Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Liên minh châu Âu (EU) dự định kéo dài lệnh trừng phạt chống lại nước Nga thêm sáu tháng, bất chấp thực tế một số nước thuộc EU ủng hộ việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Malaysia trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN và thứ 5 ở châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về lương tối thiểu, gọi tắt là Công ước số 131.