Máy bay do thám Nga xuất hiện gần Lầu Năm Góc

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/8/2017 | 1:31:17 PM

Máy bay Tupolev Tu-154 của Nga được thông báo bay qua khu vực cấm bay ở Washington, Mỹ trong khoảng từ 11h-15h ngày 9/8.

Máy bay Tupolev Tu-154 của Nga
Máy bay Tupolev Tu-154 của Nga

Washington Post ngày 9/8 dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết, một chiếc máy bay do thám của Nga đã bay qua khu vực không phận an toàn ở thủ đô Washington, Mỹ. Một số ý kiến lo ngại rằng chiếc máy bay này có thể thu thập thông tin tình báo khi nó bay qua khu vực gần Lầu Năm Góc, Đồi Capitol và các tòa nhà chính phủ khác.

Chuyến bay của máy bay Nga Tupolev Tu-154 qua bầu trời Mỹ được thực hiện trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở vốn có sự tham gia của Nga, Mỹ và 32 quốc gia khác. Hiệp ước Bầu trời mở cho phép các nước thành viên thực hiện các hoạt động bay phi vũ trang nhằm giám sát không phận của nhau trong nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch và kiểm soát vũ khí quốc tế.

Cảnh sát Đồi Capitol hôm 9/8 đưa ra cảnh báo rằng, "một chiếc máy bay tầm thấp được trao quyền sẽ bay qua khu vực cấm bay trong khoảng từ 11h – 15h". Cảnh báo không nêu rõ quốc gia sở hữu chiếc máy bay này nhưng nói rằng đây là một chiếc máy cỡ lớn và có thể bay trực tiếp qua khu vực Đồi Capitol.

"Chuyến bay này sẽ nằm dưới sự giám sát của cảnh sát Mỹ và các cơ quan chính phủ liên bang khác”, cảnh báo cho biết thêm.

Một quan chức Quốc phòng Mỹ giấu tên, người đang trực tiếp tham gia điều phối các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ đã xác nhận chiếc máy bay nói trên là của Nga.

Ngoài chuyến bay qua không phận khu vực Lầu Năm Góc, Đồi Capitol và các tòa nhà chính phủ khác, chiếc máy bay này còn bay qua khu vực dinh thự riêng của Tổng thống Trump ở Bedminster, N.J. – nơi ông đang có kỳ nghỉ tại đây.

Theo các điều khoản của Hiệp ước Bầu trời mở, phi hành đoàn trên chiếc máy bay do thám Nga thực hiện các chuyến bay qua bầu trời Mỹ cũng bao gồm cả đại diện phía Mỹ.

Tuy nhiên, Trung tướng Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ vẫn bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể lợi dụng hiệp ước này. Năm ngoái, Tướng Stewart đã nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ về các mối đe dọa và nguy cơ tiềm tàng của hoạt động này và rằng tốt hơn hết nên từ chối các chuyến bay của máy bay Nga qua bầu trời Mỹ trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở.

"Nó cho phép Nga có thể có được thông tin cơ bản về cơ sở hạ tầng quan trọng, căn cứ, cảng và tất cả các cơ sở của chúng tôi. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, nó mang lại cho Nga một lợi thế đáng kể”, Tướng Stewart đưa ra nhận định hồi tháng 3/2016.

Mặc dù vậy, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis vẫn lên tiếng bảo vệ các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở mà Mỹ là một bên tham gia ký kết. Ông Davis nói rằng Mỹ đã thực hiện các chuyến bay tương tự với máy bay OC-135B qua bầu trời Nga.

Ông Davis nói: "Chúng ta cần phải nhớ rằng, trong khi chúng ta có mạng lưới tình báo tốt tại nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn nhiều nước không có được mạng lưới tình báo tốt như chúng ta. Chính vì thế, cần thiết phải tạo ra sự minh bạch nhằm tránh việc họ có thể đưa ra những toan tính sai lầm, đôi khi, chúng ta cũng cần phải để cho họ biết chúng ta đang làm gì hoặc không làm gì”./.

(Theo VOV.VN)

Các tin khác
Biểu tình tại Tel Aviv yêu cầu giải cứu con tin ở Gaza đang gây sức ép lên chính quyền Israel

Lãnh đạo 18 nước gồm Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp kêu gọi Hamas thả con tin, tuy nhiên nhóm này tuyên bố chỉ thả con tin khi Israel ngừng bắn.

Một học sinh tại Manila lấy cặp để che đầu khi đến trường dưới thời tiết nắng nóng

Với mỗi lớp học chỉ vỏn vẹn có một hai chiếc quạt nhỏ, 7.000 trường công lập tại Philippines chuyển sang học trực tuyến do thời tiết nắng nóng lên đến 44 độ C.

Phối cảnh thủ đô mới của Indonesia tại Nusantara.

Ngày 24-4, Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố sẽ nỗ lực vì lợi ích của mọi người dân Indonesia và kêu gọi tinh thần đoàn kết chung để đưa đất nước tiến lên.

Quang cảnh một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York, Mỹ ngày 29/11/2023.

Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc không triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ nhận được 13 phiếu thuận, trong khi Nga phủ quyết và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục