Ban đầu dự án then chốt trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Putin cho nhiệm kỳ 3 là sự hội nhập Á -Âu thông qua thiết lập Linh minh kinh tế Á - Âu có sự tham gia của Ukraine.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự tại Ukraine đã làm đảo lộn hoàn toàn chiến lược đối ngoại của Tổng thống Putin. Chính điều đó đã buộc Tổng thống Putin phải điều chỉnh chính sách đối ngoại.
Cuộc khủng hoảng Ukranie và sáp nhập bán đảo Crimea
Nga chính thức can thiệp vào vấn đề Ukraine và đưa quân tới bán đảo Crimea sau khi các cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine xảy ra vào tháng 3/2014.
Sau đó Nga đã thực hiện việc sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình bằng Hiệp được gia nhập được Tổng thống Putin phê chuẩn ngày 21/03/2014.
Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình sau một loạt các vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột quân sự tại Ukraine là dấu ấn đậm nét nhất của Tổng thống Putin trong việc xử lý các vấn đề đối ngoại.
Chính bản thân Putin trong cuộc phỏng vấn mới nhất đã khẳng định, sẽ không bao giờ có trường hợp bán đảo Crimea trở về là của Ukraine, không bao giờ có trường hợp nào mà nước Nga sẵn sàng từ bỏ bán đảo này.
Đặc biệt, ông Putin nhấn mạnh, nếu so sánh việc người dân ở bán đảo Crimea có nguyện vọng trở về Nga với việc Nga bị các nước trừng phạt thì sự kiện sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của Nga vẫn là điều quan trọng hơn cả.
Can thiệp quân sự vào Syria
Bên cạnh việc sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga, việc quyết định can thiệp quân sự vào Syria là một dấu ấn đậm nét nữa của Tổng thống Putin trong xử lý các vấn đề đối ngoại.
Vào ngày 30 tháng 9 năm 2015, Hội đồng liên bang Nga đã chấp thuận yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho không quân Nga tham dự vào cuộc chiến ở Syria. Sự can dự của Nga được thực hiện sau khi có một yêu cầu chính thức từ chính phủ Syria để giúp họ chống lại lực lượng nổi dậy và các nhóm khủng bố ở Syria.
Việc Nga can thiệp vào chiến trường Syria đã tạo cơ hội cho chính quyền Moscow triển khai các bước đi chặt chẽ và khéo léo trong chính sách ngoại giao tại Trung Đông. Mặt khác, sự can thiệp kịp thời này đã giúp củng cố ảnh hưởng của Nga tại một trong những nước có tầm chiến lược quan trọng nhất ở Trung Đông.
Đặc biệt, bằng việc duy trì sự tồn tại hợp pháp của chế độ Bashar al-Assad, Nga đã thành công trong việc ngăn chặn hình thành một liên minh thù địch gây bất lợi cho Nga tại khu vực Trung Đông.
Ngoài ra, việc can thiệp vào Syria, cộng với sự cạnh tranh với Mỹ và phương Tây đã thúc đẩy Nga cân bằng lại chính sách đối ngoại và ngoại thương với một loạt các nước châu Á.
Tác động tích cực tới chính sách đối ngoại
Giới phân tích cho rằng, việc Nga can thiệp vào Ukraine và Syria chính là cơ hội để Moscow chứng tỏ quân đội Nga đã trở lại và có khả năng hỗ trợ cho nền ngoại giao của nước này, bảo vệ lợi ích quốc gia.
Trong Thông điệp Liên bang 2018, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh chính quyền Moscow có đầy đủ phương tiện và công cụ hiệu quả để buộc các nước "tôn trọng làn ranh đỏ”. Việc can thiệp vào Syria cũng là để chứng minh cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama đã sai lầm khi tuyên bố hồi năm 2014 rằng Nga chỉ là một cường quốc khu vực.
Đặc biệt, việc Tổng thống Nga Putin thể hiện sự quyết đoán trong việc can thiệp vào Ukraine và Syria đã nhận được sự hưởng ứng cao của dư luận trong nước. Người dân Nga đã thể hiện sự hài lòng trước các hành động của Putin. Và cho rằng hành động của Putin đã giúp nước Nga tìm lại được vị thế quốc tế của mình và hình ảnh của nước Nga trên thế giới trong những năm qua đã được cải thiện. Họ cho rằng đất nước trở nên hùng mạnh hơn và lợi ích của quốc gia cũng được bảo vệ. Như vậy, những dấu ấn đối ngoại của Putin trong 6 năm cầm quyền đã nhận được sự hưởng ứng của người dân.
Chính điều này đã tô làm tô đậm thêm những thành công của Tổng thống Putin trong xử lý các vấn đề đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cốt lõi của nước Nga.
(Theo TPO)