Syria đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về Cao nguyên Golan

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/3/2019 | 10:22:09 AM

Syria đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Israel.

Hàng rào ngăn cách khu vực Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, gần thị trấn Majdal Shams, với Syria, ngày 25/3/2019.
Hàng rào ngăn cách khu vực Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, gần thị trấn Majdal Shams, với Syria, ngày 25/3/2019.

Theo hãng tin AFP của Pháp, Syria ngày 27/3 đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành cuộc họp khẩn cấp sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Israel.

Quyết định của Tổng thống Mỹ cách đây 2 ngày công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan tiếp tục vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong đó có các đồng minh của Mỹ.

Ngày 26/3, 5 nước châu Âu có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Bỉ, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã bác bỏ quyết định trên của Tổng thống Trump, đồng thời bày tỏ quan ngại động thái này của Mỹ có thể gây ra hậu quả to lớn.

Cả 5 nước trên khẳng định lập trường của Liên minh châu Âu không bao giờ thay đổi và Cao nguyên Golan vẫn là lãnh thổ Syria do Israel chiếm đóng, phù hợp với luật pháp quốc tế được ghi trong các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Trả lời trước báo giới, đại diện của 5 nước Bỉ, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan tuyên bố không công nhận chủ quyền của Israel đối với các vùng lãnh thổ bị nước này chiếm đóng kể từ tháng 6/1967, bao gồm Cao nguyên Golan, đồng thời khẳng định không coi Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của nhà nước Israel.

Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Ulrike Demmer đã bày tỏ "lấy làm tiếc" về quyết định  của người đứng đầu Nhà Trắng công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Vị quan chứ này cũng đồng thời khẳng định quan điểm và lập trường của Đức đối với hiện trạng của Cao nguyên Golan là không thay đổi, đặc biệt dựa trên nghị quyết 497 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 1981, trong đó kêu gọi Israel hủy bỏ việc sáp nhập Cao nguyên Golan vào lãnh thổ nước này và giữ nguyên quy chế hợp pháp quốc tế như trước đây.

Bà Demmer nhấn mạnh bất kỳ việc vẽ lại đường biên giới chỉ có thể thực hiện được với một thỏa thuận hòa bình giữa các bên xung đột, đồng thời khẳng định Chính phủ Đức luôn bác bỏ các hành động đơn phương.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố Cao nguyên Golan không thuộc về Israel, đồng thời khẳng định Berlin vẫn giữ nguyên lập trường và thái độ quốc tế sau khi Tổng thống Mỹ ký quyết định chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Berlin không công nhận quyết định này theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Ngoại trưởng Heiko Maas cũng cho rằng các bước đơn phương sẽ làm cho việc giải quyết xung đột khu vực trở nên khó khăn và đe dọa tới các cuộc đàm phán về một giải pháp hai nhà nước.

Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Văn bản được ký tại Nhà Trắng với sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp Nhật Bản thông báo sẽ đưa một số thủ tục xin thị thực lên mạng Internet từ tháng 7/2019 để triển khai cơ chế mới của chính phủ về thu hút lao động nước ngoài.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trong phiên bỏ phiếu về tiến trình Brexit tại Quốc hội.

Chính trường Anh tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi Quốc hội Anh chiếm lợi thế trong phiên bỏ phiếu giành quyền kiểm soát tiến trình Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) tại quốc hội, với tỷ lệ 329 phiếu thuận/302 phiếu chống. Kết quả này đồng nghĩa với việc Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May mất quyền kiểm soát tiến trình Brexit.

Tổng thư ký  Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan Jarungvith Phumma công bố kết quả sơ bộ.

Tối 25-3, Ủy ban Bầu cử (EC) của Thái Lan đã công bố kết quả sơ bộ theo khu vực diễn ra 1 ngày trước. Theo đó đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) tạm dẫn đầu khi giành được 138 ghế tại Hạ viện, xếp thứ 2 là đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath) với 96 ghế, đảng Tương lai mới (5,8 triệu phiếu) bất ngờ vượt qua đảng Dân chủ kỳ cựu (3,7 triệu phiếu) để giành vị trí thứ 3.

Quần đảo tranh chấp Dokdo ở vùng biển phía Đông Hàn Quốc, mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima.

Bộ sách giáo khoa tiểu học mới phản ánh yêu sách chủ quyền mạnh mẽ hơn của chính quyền Thủ tướng Abe đối với quần đảo Dokdo hiện do Hàn Quốc kiểm soát mà phía Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục