Ngày 17/4, khoảng 192 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc bầu cử tuy diễn ra chỉ có 1 ngày nhưng sẽ bầu ra hàng loạt vị trí quan trọng, từ Tổng thống, Phó Tổng thống tới hơn 20.000 đại biểu hội đồng lập pháp.
Ứng viên được nhận định là sáng giá nhất là Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, 57 tuổi. Ông Widodo xuất thân là một doanh nhân đồ nội thất chuyển sang làm chính trị. Ông được gọi với biệt danh thân mật Jokowi khi là vị tổng thống đầu tiên của Indonesia xuất thân ngoài tầng lớp tinh hoa.
Với khẩu hiệu "Indonesia tiến lên", ông Joko Widodo cam kết đưa ra các kế hoạch cải cách để tăng cường hiệu suất phát triển của Indonesia, từ việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng đến thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ công nghệ kỹ thuật số và phát triển kinh doanh. Ngoài ra, ông cũng cam kết tạo thêm việc làm cho hàng triệu người, đặc biệt là lớp trẻ và sinh viên mới tốt nghiệp.
Đối thủ của ông Widodo là một cựu tướng lĩnh quân đội Prabowo Subianto, 67 tuổi. Ông Subianto là con rể của cố lãnh đạo Suharto và là một người theo chủ nghĩa dân tộc.
Với khẩu hiệu "Indonesia công bằng và thịnh vượng", ông Subianto hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế đối với các công ty và cá nhân, thúc đẩy sản xuất thực phẩm trong nước thông qua các chính sách thay thế nhập khẩu, khôi phục trợ cấp xăng dầu mà ông Jokowi đã bãi bỏ và tăng sử dụng năng lượng tái tạo.
Như vậy, kịch bản năm 2014 đã lặp lại, khi cũng là hai ứng cử viên này chạy đua cho vị trí Tổng thống. Năm đó, ông Widodo đã giành chiến thắng sát nút, chỉ hơn ông Subianto 6 điểm.
Theo truyền thông Indonesia, về mặt thể hiện, giới quan sát cho rằng ứng cử viên Prabowo có màn tranh luận tốt hơn, gây chú ý hơn, ví như "ông Trump của Indonesia" trong khi ông Widodo có một chút e ngại. Tuy nhiên, người ta cho rằng ông Widodo là một điển hình của lãnh đạo người Java khi không tranh luận và nói nhiều mà tập trung suy nghĩ nhiều hơn.
Về mặt nội dung cho thấy không có nhiều sự khác biệt lớn giữa hai đối thủ. Cả hai đều ủng hộ nền kinh tế thị trường tuy có sự khác nhau về cách thực hiện. Ông Widodo nhấn mạnh vai trò của các công ty nhà nước trong khi ông Prabowo lại nhấn mạnh sẽ thúc đẩy vai trò của các công ty tư nhân.
Cũng không nhiều người ngạc nhiên khi cả hai ông đều nhấn mạnh đến tăng ngân sách quốc phòng. Do vậy, cuộc tranh luận không thể hiện được nhiều và cũng không phải là nơi có thể thấy sự khác biệt chính sách giữa hai đối thủ.
Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Joko Widodo đang dẫn điểm và có lợi thế để tiếp tục là Tổng thống. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ dành cho Prabowo Subianto lại đang tăng dần. Liệu có yếu tố bất ngờ làm thay đổi tương quan giữa 2 ứng cử viên này?
Nói về lợi thế, ông Widodo là đương kim Tổng thống, do vậy, tần suất xuất hiện trên truyền thông sẽ nhiều hơn. Ông Widodo cũng đã có nhiệm kỳ tổng thống với nhiều thành công như duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 5,2%, có chính sách tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện nó khá tốt tuy còn vấn đề về giảm bất bình đẳng trong thu nhập lại chưa được thực hiện tốt.
Trong khi đó, ông Prabowo Subianto biết khai thác những vấn đề mà người dân còn chưa hài lòng như người giàu và trung lưu đang hưởng thành quả phát triển cơ sở hạ tầng chứ người nghèo chiếm số đông sẽ không thể sử dụng đường cao tốc trả phí, sân bay hiện đại. Không nhiều người có thể đi trên những đoàn tàu sạch sẽ và hiện đại.
Ông Prabowo có thế mạnh từ người cùng tranh cử Phó Tổng thống là ông Sandiaga Uno, một doanh nhân trở thành chính trị gia có những quan điểm về chính sách kinh tế đối lập với Tổng thống Widodo. Ông Prabowo theo đường lối dân tộc cũng nhận được sự ủng hộ của những người Hồi giáo theo đường lối bảo thủ.
Kinh nghiệm từ các cuộc bầu cử khu vực gần đây cho thấy luôn có yếu tố bất ngờ, khó dự đoán. Kết quả bầu cử theo phương pháp kiểm phiếu nhanh dự kiến bắt đầu có từ chiều tối 17/4.
Để đảm báo tính tự do và công bằng, Indonesia đã mời các nhà quan sát tới từ 33 quốc gia tới để giám sát bầu cử. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào tháng 5/2019.
(Theo VTV)