Ukraine tung đòn trừng phạt Nga giữa lúc căng thẳng

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/5/2019 | 9:01:13 AM

Ukraine đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới với Nga trong bối cảnh hai nước đang ở trong giai đoạn căng thẳng liên quan tới sắc lệnh hộ chiếu gây tranh cãi.

Thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman.
Thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman.

Phát biểu tại cuộc họp nội các hôm nay 15/5, Thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman cho biết nước này đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới với Nga, trong đó cấm nhập khẩu một số nhóm hàng hóa nhất định từ Nga và thực thi các loại thuế đặc biệt.

"Đây là những biện pháp đáp trả tương ứng, bao gồm cấm vận và áp thuế đặc biệt với hàng hóa Nga”, ông Groisman nói, đồng thời cho biết những biện pháp này sẽ liên quan tới những loại hàng hóa mà Ukraine có khả năng "tự sản xuất hoàn toàn” hoặc có thể thay thế bằng các nguồn cung cấp khác.

Theo Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Stepan Kubiv, lệnh cấm mới của Ukraine sẽ áp dụng đối với một số loại hàng hóa nhất định như hàng hóa công nghiệp, phân khoáng, nông sản, phương tiện vận tải, gỗ dán và một số hàng hóa khác. Ông Kubiv nói rằng mục đích của các lệnh trừng phạt này là nhằm ngăn chặn việc thoái vốn, cũng như hỗ trợ sản xuất trong nước và tạo thêm việc làm mới cho người Ukraine.

Ngoài lệnh cấm vận trên, nội các Ukraine cũng nhất trí áp đặt thuế đặc biệt đối với một số hàng hóa có xuất xứ từ Nga, bắt đầu từ ngày 1/8. Chính phủ Ukraine ước tính doanh thu bổ sung cho ngân sách nhà nước từ các khoản thuế sẽ lên tới ít nhất 3,7 tỷ hryvnia Ukraine (khoảng 141,2 triệu USD) vào nửa cuối năm nay.

Nga đã dừng thỏa thuận khu vực thương mại tự do với Ukraine từ ngày 1/1/2016 sau khi thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa Ukraine với Liên minh châu Âu có hiệu lực. Lệnh cấm vận của Nga đối với hàng hóa châu Âu được mở rộng sang cả hàng hóa Ukraine từ đầu năm 2016.

Lệnh cấm của Nga áp dụng với một số mặt hàng nhập khẩu từ Ukraine như thịt, xúc xích, cá, rau củ quả… Đáp lại, Ukraine cũng đưa ra lệnh cấm nhập khẩu các hàng hóa có xuất xứ từ Nga, bắt đầu từ ngày 10/1/2016.

Cũng trong năm 2016, Ukraine đã mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào hàng nhập khẩu Nga và kéo dài các lệnh này cho tới năm 2020. Tới tháng 4 năm nay, chính phủ Ukraine một lần nữa mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Lệnh trừng phạt của Ukraine được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa nước này với Nga đang ở trong giai đoạn căng thẳng sau khi Tổng thống Vladimir Putin ngày 24/4 ký sắc lệnh nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu cho người dân sinh sống ở khu vực ly khai tại miền đông Ukraine. Ông Putin sau đó tuyên bố có thể đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu cho toàn bộ người dân Ukraine, bất chấp sự phản đối của Kiev.

Theo Tổng thống Putin, Nga không thể chấp nhận việc người dân sống tại các khu vực ly khai ở đông Ukraine mà không có bất kỳ quyền lợi gì. Ông Putin khẳng định Nga và Ukraine là hai nước anh em, do vậy việc người dân của hai nước có chung quốc tịch là điều bình thường.

Nga và Ukraine hiện vẫn có nhiều bất đồng liên quan tới cuộc xung đột tại đông Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay cho biết Moscow hy vọng tân Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky sẽ lựa chọn con đường thực thi thỏa thuận Minsk sau khi ông nhậm chức.

"Chúng tôi hy vọng cách tiếp cận của chính quyền Ukraine mới sẽ mang lại những khía cạnh mới cho phép chúng ta tiến gần hơn tới việc thực thi thỏa thuận Minsk. Nga là một trong những bên bảo trợ cho thỏa thuận Minsk, một thỏa thuận cần được thực thi”, ông Peskov nói.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Nhà thờ Đức Bà Paris bị phá hủy một phần sau vụ hỏa hoạn.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đề xuất nước này sẽ cung cấp gỗ xẻ mềm và thép để hỗ trợ xây dựng lại Nhà thờ Đức bà Paris của Pháp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Động thái này nhằm ngăn chuỗi cung ứng từ nước ngoài, bao gồm tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi châu Á đoàn kết.

Ngày 15/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước châu Á đoàn kết, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang vướng vào cuộc chiến thuế quan theo kiểu ăn miếng trả miếng do Mỹ phát động.

Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, trong đó thu hẹp đối tượng thụ hưởng nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục