CPTPP không hạ tiêu chuẩn gia nhập với Trung Quốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/11/2021 | 9:52:33 AM

Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor khẳng định các tiêu chuẩn cao mà CPTPP hiện có đã trải qua quá trình đàm phán khó khăn mới đạt được và chưa có bên nào cho rằng nên điều chỉnh các tiêu chuẩn này.

Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta (trái) và Bộ trưởng Thương mại New Zealand trong họp báo rạng sáng 10-11 - Ảnh chụp màn hình họp báo
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta (trái) và Bộ trưởng Thương mại New Zealand trong họp báo rạng sáng 10-11 - Ảnh chụp màn hình họp báo

Cuộc họp báo sau hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế APEC (AMM) rạng sáng 10-11 chứng kiến nhiều câu hỏi liên quan Trung Quốc và Đài Loan.

Dù lưu ý không phải tất cả thành viên APEC là thành viên của CPTPP, Bộ trưởng Thương mại Damien O'Connor và Ngoại trưởng Nanaia Mahuta liên tục nhận được các câu hỏi liên quan đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc và Đài Loan.

Bắc Kinh và Đài Bắc gửi đơn cho New Zealand cách nhau một tuần vào tháng 9 vừa qua, trong đó đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). New Zealand giữ vai trò như bên nộp lưu chiểu trong CPTPP và là nước chủ nhà APEC 2021.

Bộ trưởng O'Connor lập luận CPTPP về hình thức là một cơ chế hợp tác kinh tế nên luôn hoan nghênh sự gia nhập của các nền kinh tế khác, hướng tới một khối thương mại lớn hơn và dỡ bỏ các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, theo ông O'Connor, các nền kinh tế phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của CPTPP nếu muốn trở thành một phần của nhóm.

Trước câu hỏi liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao, bao gồm các tiêu chuẩn liên quan dữ liệu, phúc lợi người lao động, ông O'Connor đã từ chối trả lời trực tiếp.

"Với tư cách là một thành viên của CPTPP, chúng tôi không thể phán trước Trung Quốc cần phải thay đổi gì hay làm gì (để gia nhập khối).

Điều mà các thành viên CPTPP đều cam kết là duy trì các tiêu chuẩn cao, những tiêu chuẩn đã trải qua quá trình đàm phán khó khăn mới có được. Tôi không nghĩ có bất kỳ thành viên nào đang cho rằng nên điều chỉnh các tiêu chuẩn này.

Vì vậy vấn đề nằm ở các nền kinh tế xin gia nhập tự đánh giá có đạt được những gì CPTPP đã đặt ra hay không", ông O'Connor nêu quan điểm.

CPTPP hiện có 11 thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Theo quy định, việc kết nạp thành viên mới cần nhận được sự đồng ý của tất cả các thành viên.

Vương quốc Anh là nền kinh tế đầu tiên xin gia nhập CPTPP và đang trong quá trình đàm phán. Ngày 22-9, sau khi Trung Quốc gửi đơn đến New Zealand gần một tuần, Đài Loan xin gia nhập CPTPP dưới tên gọi "Vùng lãnh thổ có hệ thống hải quan riêng biệt tại Đài Loan - Bành Hồ - Kim Môn - Mã Tổ".

Đây là tên Đài Loan sử dụng khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm tránh các phản ứng từ Trung Quốc. Bắc Kinh xem đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này và phản đối sự hiện diện của chính quyền Đài Bắc trong các tổ chức quốc tế với vị thế quốc gia.

Đài Loan gia nhập APEC năm 1991 và được nhắc đến với tên gọi "Đài Bắc - Trung Hoa". Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và "Hong Kong - Trung Quốc" cũng tham gia APEC trong cùng năm.

Trong họp báo rạng sáng 10-11, các bộ trưởng New Zealand cũng thông báo về kết quả AMM thứ 32, nhấn mạnh các nỗ lực của APEC trong ứng phó đại dịch và khẳng định các bên tiếp tục có "lập trường mạnh mẽ" chống lại chủ nghĩa dân tộc vắc xin COVID-19.

Về việc Mỹ đề nghị trở thành nước chủ nhà APEC năm 2023, Ngoại trưởng Nanaia Mahuta cho biết 21 nền kinh tế thành viên vẫn chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này.

(Theo TTO)

Các tin khác
Đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Noh Kyu-duk (trái) và Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Sung Kim tại cuộc họp báo sau cuộc gặp ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/10/2021.

Quan chức Mỹ-Hàn đã thảo luận về tình hiện nay, triển vọng hợp tác nhân đạo và khả năng đối thoại với Triều Tiên nhằm thúc đẩy mục tiêu phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Kỳ hội nghị thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ khóa XIX do ông Tập Cận Bình (giữa) chủ trì khả năng sẽ thông qua một “nghị quyết lịch sử”. Trong ảnh: Ông Tập thăm một khu dân cư ở tỉnh Sơn Đông vào ngày 21-10.

Nghị quyết về lịch sử quốc gia dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc khả năng sẽ là công cụ để nước này theo đuổi hiện thực hóa giấc mơ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Buổi Lễ kỷ niệm diễn ra dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni.

Sáng nay (9/11), tại thủ đô Phnom Penh đã diễn ra lễ kỷ niệm 68 năm ngày Quốc khánh Campuchia 09/11/1953 - 09/11/2021, đánh dấu sự kiện tập trung đông người đầu tiên được tổ chức tại Campuchia sau thời gian dài thực hiện các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch Covid-19.

Một đứa trẻ được tiếp cận với chiến dịch vắcxin chống bại liệt ở ngoại ô Jalalabad, Afghanistan.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã chính thức khởi động chương trình tiêm chủng vắc xin bại liệt cho trẻ em dưới sự giúp đỡ của Taliban. Đây sẽ là chiến dịch toàn quốc đầu tiên của Afghanistan chống lại căn bệnh này và sẽ diễn ra trong 3 năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục