Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Âu, đang liên tiếp ghi nhận những số liệu kỷ lục về số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày do COVID-19. Bên cạnh yếu tố mùa đông là thời điểm virus dễ lây lan, tỷ lệ bao phủ vaccine không đồng đều do tâm lý ngại tiêm chủng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng bùng phát dịch bệnh mới.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, người chưa tiêm vaccine có nguy cơ lây nhiễm cao gấp 5 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 10 lần so với những người đã hoàn tất tiêm chủng. Do vậy, nhiều biện pháp hạn chế mạnh tay đang được giới chức các nước áp đặt đối với những người chưa chủng ngừa trong nỗ lực "hạ nhiệt" các điểm nóng COVID-19.
Áo áp dụng phong tỏa toàn quốc đối với những người chưa tiêm vaccine
Ngày 14/11, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg tuyên bố, bắt đầu từ 15/11, nước này sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc người mới khỏi bệnh (chưa tiêm phòng) trong thời gian gần đây. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới vô cùng nghiêm trọng.
Theo đó, người dân Áo trên 12 tuổi chưa tiêm vaccine COVID-19 đủ liều hoặc mới khỏi bệnh (chưa tiêm phòng) trong thời gian gần đây sẽ không được phép ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi mua thức ăn, đồ thiết yếu, tập thể dục hoặc có các lý do chính đáng về y tế.
Theo Bộ trưởng Y tế Áo Wolfgang Mueckstein, trong 10 ngày đầu áp dụng lệnh phong tỏa mới, nước này sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các khu vực, sau đó đánh giá tình hình thực hiện để có sự điều chỉnh phù hợp. Quy định mới ước tính ảnh hưởng đến khoảng 2 triệu người chưa tiêm vaccine, những người trước đó vốn đã bị cấm đến các nhà hàng, tiệm làm tóc, khu trượt tuyết và rạp chiếu phim do chưa hoàn thành đủ hai mũi tiêu chuẩn.
Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg thông báo: "Thực tế, chúng tôi đã nói với 1/3 dân số rằng, họ sẽ không được rời khỏi nhà trừ một vài lý do nhất định. Điều này giúp giảm đáng kể khả năng tiếp xúc giữa những người đã tiêm và chưa tiêm vaccine''. Cũng theo nhà lãnh đạo này, ông cho rằng 2/3 dân số Áo còn lại không nên bị "lung lay" trước sự do dự của bộ phận nhỏ những người nói "không" với vaccine.
Phong tỏa toàn quốc đối với người chưa tiêm vaccine COVID-19 được cho là điều không thể tránh khỏi, sau khi Ủy ban chống dịch của Áo lên tiếng cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm đang đe dọa hệ thống y tế của nước này. Theo hãng tin AFP, hiện có khoảng 65% trong số gần 9 triệu người Áo đã được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn mức trung bình 67% của các nước thuộc EU.
Đức áp dụng quy tắc 2-G, 3-G
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Đức được nhiều chuyên gia đánh giá là hình mẫu trong nỗ lực đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, việc còn nhiều người chưa tiêm phòng cộng với hiệu quả bảo vệ của vắc xin suy giảm theo thời gian, khả năng miễn dịch tự nhiên trong dân số thấp cùng với thời tiết giá lạnh đã khiến Đức đánh mất những thành quả chống dịch trước đó.
Sau khi vượt Nga và trở thành điểm lây nhiễm COVID-19 "nóng" nhất châu Âu, Đức nhanh chóng có những biện pháp cứng rắn phòng dịch, nhằm hạn chế số ca lây nhiễm mới và tử vong. Quy tắc 2-G, 3-G (quy tắc với những người đã tiêm đủ vaccine, đã khỏi bệnh và đã xét nghiệm) đã được áp dụng.
Bang Sachsen, điểm dịch "nóng" nhất nước Đức, từ đầu tuần trước đã áp đặt quy tắc 2-G, tức chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine hoặc có chứng nhận đã từng mắc COVID-19 được tới một số địa điểm công cộng. Học sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang trong lớp học, trong khi người làm công việc văn phòng được khuyến nghị làm việc tại nhà. Những người chưa tiêm đầy đủ vaccine COVID-19, trừ trẻ em, thiếu niên và một số trường hợp nhất định không thể tiêm, sẽ không được phép tham dự các sự kiện, hoạt động trong không gian kín.
Bang Niedersachsen cũng áp dụng 2-G và yêu cầu người chưa tiêm chủng làm việc tại các cơ sở dưỡng lão phải xét nghiệm hàng ngày. Những người này sống tại bang Brandenburg cũng sẽ không được tới các quán bar, câu lạc bộ, lễ hội... do chưa chủng ngừa đầy đủ.
Theo Giáo sư Christian Drosten thuộc Bệnh viện Charité, thành phố Berlin, nếu không sớm áp dụng những biện pháp cứng rắn, số ca mắc mới mỗi ngày sẽ tiếp tục gia tăng và chạm mốc kỷ lục 100.000. "Tình huống khẩn cấp thực sự" này thúc đẩy giới chức Đức khắt khe hơn trong việc áp dụng các quy tắc hạn chế tiếp xúc, từ đó dần thay đổi suy nghĩ và hành vi đối với vaccine của những người chưa tiêm chủng.
Hiện chính phủ Đức cũng đang lên kế hoạch áp đặt quy tắc "2G plus", tức những người đã tiêm vaccine hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19, nếu muốn tham gia một số sự kiện nhất định vẫn bắt buộc phải xét nghiệm PCR. Dự luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện Đức vào ngày 18/11 trước khi đệ trình lên Thượng viện.
Latvia sa thải nhân viên từ chối tiêm vaccine COVID-19
Từ đầu tháng này, Quốc hội Latvia đã thông qua quyết định mới, cho phép các doanh nghiệp đình chỉ không lương hoặc sa thải người lao động không có chứng nhận tiêm chủng.
Theo Bộ Tư pháp Latvia, quyết định trên là có căn cứ, vì người lao động từ chối tiêm vaccine cũng đồng nghĩa với việc họ không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nếu tiếp tục không tuân thủ yêu cầu tiêm chủng trong vòng 3 tháng từ khi bị đình chỉ, những người này sẽ có nguy cơ cao bị sa thải. Ngoại lệ chỉ dành cho người đã mắc và khỏi COVID-19.
Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ 15/11, sau khi Latvia chấm dứt gần 1 tháng phong tỏa toàn quốc. 15/11 cũng là hạn chót để các nghị sỹ tiêm vaccine phòng COVID-19, nếu không, họ sẽ bị tước quyền bỏ phiếu về các dự luật và cấm tham gia vào các cuộc thảo luận tại quốc hội cho đến giữa năm 2022. Lương của các nghị sỹ này cũng sẽ bị trừ.
Hiện những người chưa tiêm vaccine tại Latvia chỉ được phép vào một số cửa hàng được chỉ định để mua thực phẩm và đồ thiết yếu. Ngoài ra, chính phủ Latvia cũng khuyến khích tất cả người dân nước này làm việc tại nhà để giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm.
Hiện tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia 1,9 triệu dân này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của EU, với 48% dân số đã chủng ngừa đầy đủ.
Singapore thu viện phí với bệnh nhân COVID-19 lựa chọn không tiêm phòng
Để khuyến khích người dân đi tiêm chủng, Singapore đã tuyên bố tất cả những người lựa chọn không tiêm vaccine ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện sức khỏe, nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 và nhập viện, sẽ phải tự thanh toán toàn bộ chi phí điều trị.
Quy định mới sẽ được áp dụng từ ngày 8/12 trong bối cảnh những người không tiêm vaccine đang chiếm phần lớn số các ca mắc COVID-19 chuyển nặng cần phải điều trị tích cực (ICU). Theo đó, chỉ có người dân Singapore, thường trú nhân, người có thẻ cư trú dài hạn đã tiêm đầy đủ vaccine và gần đây không đi du lịch nước ngoài mới được chính phủ chi trả chi phí điều trị khi mắc COVID-19. Những người không đủ điều kiện tiêm chủng, bao gồm cả trẻ em dưới 12 tuổi hoặc bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng, vẫn sẽ được chính phủ thanh toán đầy đủ hóa đơn điều trị.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết: "Chúng tôi muốn gửi tín hiệu quan trọng này để khuyến khích mọi người đủ điều kiện đi tiêm vaccine".
Australia cấm người chưa tiêm vaccine tới nhà người khác
Tại Australia, chính quyền bang New South Wales cho biết những người trên 16 tuổi chưa tiêm phòng COVID-19 sẽ không được phép tới thăm nhà người khác, ngoại trừ một số ít trường hợp. Những người này sẽ không được phép tới các rạp chiếu phim, bảo tàng, sự kiện tập trung đông người ngoài trời với quy mô từ 2.000 khách trở lên. Bang Queensland cũng sẽ cấm những người chưa tiêm vaccine đến các nhà hàng, quán rượu và sự kiện thể thao từ ngày 17/12.
Hồi tháng 10, Bộ Nhập cư Australia cũng thông báo cấm người chưa tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19 nhập cảnh vào nước này khi Giải quần vợt Australia Mở rộng (Austrlia Open) 2022 khởi tranh.
Bộ trưởng Bộ Nhập cư Alex Hawke chia sẻ: "Quy định của chúng tôi áp dụng cho tất cả mọi người, không riêng các tay vợt. Nếu không tiêm đủ hai mũi vaccine, bạn sẽ không được phép nhập cảnh".
(Theo VTV)