Vì sao Thỏa thuận Minsk có thể là lối thoát cho khủng hoảng Ukraine?

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/2/2022 | 2:07:37 PM

Khi các nhà lãnh đạo thế giới tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine, các cuộc trao đổi về Thỏa thuận Minsk năm 2015 có thể là một cách thoát khỏi khủng hoảng.

Lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc tập trận ở khu vực Dnipropetrovsk, Ukraine. Ảnh: Reuters
Lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc tập trận ở khu vực Dnipropetrovsk, Ukraine. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ ra rằng Thỏa thuận Minsk năm 2015 giữa Kiev và Moscow có thể được coi là cơ sở để đạt được bước đột phá trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Sau các cuộc trao đổi với những người đồng cấp Nga và Ukraine, ông Macron cho biết hôm 8/2 rằng, Thỏa thuận Minsk II, nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh ở miền Đông Ukraine là "con đường duy nhất để xây dựng hòa bình".

Với sự trung gian hòa giải của Pháp và Đức, Thỏa thuận Minsk II một lần nữa tìm cách chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, không có giải pháp chính trị toàn diện nào được đưa ra trong khi các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai vẫn tiếp tục.

Các Thỏa thuận Minsk

Minsk I

Ukraine và lực lượng ly khai đã nhất trí thỏa thuận ngừng bắn 12 điểm vào tháng 9/2014 với các điều khoản như: trao đổi tù nhân, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và rút các vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, thỏa thuận này nhanh chóng sụp đổ với sự vi phạm từ cả hai bên.

Minsk II

Các đại diện của Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cùng các lãnh đạo của lực lượng ly khai của khu vực Donetsk và Luhansk đã ký một thỏa thuận 13 điểm vào tháng 2/2015.

Các lãnh đạo của Pháp, Đức, Nga và Ukraine cũng đã tập trung ở Ukraine để ghi nhận dấu mốc này và đưa ra tuyên bố ủng hộ.

Thỏa thuận 13 điểm này bao gồm các điều khoản:

- Ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức

- Cả hai bên phải rút các vũ khí hạt nặng

- OSCE chịu trách nhiệm giám sát lệnh ngừng bắn

- Đối thoại với các chính quyền tự trị lâm thời ở Donetsk và Luhansk theo luật pháp Ukraine và quốc hội thừa nhận tình trạng đặc biệt này.

- Ân xá cho các binh lính

- Trao đổi con tin và tù nhân

- Hỗ trợ nhân đạo

- Nối lại các mối quan hệ kinh tế - xã hội, bao gồm cả lương hưu

- Ukraine khôi phục kiểm soát biên giới quốc gia

- Rút các lực lượng vũ trang nước ngoài, thiết bị quân sự và lính đánh thuê khỏi khu vực này

- Cải cách hiến pháp Ukraine với việc đề cập cụ thể về tình trạng của Donetsk và Luhansk.

- Tổ chức bầu cử ở Donetsk và Luhansk

- Tăng cường hoạt động của Nhóm Tiếp xúc 3 bên với các đại diện của Nga, Ukraine và OSCE.

Trở ngại chính

Thỏa thuận Minsk II đã đưa ra những giải pháp chính trị và quân sự nhưng vẫn chưa được thực hiện. Trở ngại chính nằm ở việc Nga và Ukraine có những cách hiểu rất khác nhau về thỏa thuận, dẫn đến việc thực hiện thỏa thuận này trở thành một vấn đề hóc búa.

Ukraine coi thỏa thuận năm 2015 là một công cụ để tái thiết lập việc kiểm soát các khu vực do phe ly khai nắm giữ. Nước này muốn một lệnh ngừng bắn, kiểm soát biên giới Nga và Ukraine, tổ chức bầu cử ở Donbass và chuyển giao quyền lực một cách hạn chế cho lực lượng ly khai.

Tuy nhiên, Nga coi đây là một thỏa thuận buộc Ukraine thực hiện nghĩa vụ trao cho các nhà chức trách thuộc lực lượng ly khai ở Donbass quyền tự trị hoàn toàn và có đại diện trong chính quyền Trung ương.

Lối thoát khỏi khủng hoảng?

Thỏa thuận Minsk II là một phương tiện cho những cuộc trao đổi trực tiếp giữa Nga và Ukraine. Với vai trò trung gian hòa giải trong thỏa thuận này, Tổng thống Pháp Macron có thể có cơ hội đóng vai trò như một người kiến tạo hòa bình giữa bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống ở nước này đã cận kề.

Moscow có lẽ coi Minsk II là một cách để đảm bảo yêu cầu an ninh quan trọng nhất của mình sẽ được thực thi, rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Dù vậy, Washington và NATO đã bác bỏ yêu cầu này.

Với Ukraine, thỏa thuận này có thể là một cơ hội để giành lại quyền kiểm soát khu vực tiếp giáp biên giới với Nga và chấm dứt mối lo ngại Nga tấn công quân sự, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Ukraine cho biết nước này sẽ không bao giờ cho phép Nga có quyền phủ quyết về các quyết định liên quan đến chính sách đối ngoại của Ukraine và nhiều quan điểm ở Ukraine cho rằng, việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Minsk là một sự nhượng bộ trước Nga. Tuy nhiên, các nhà quan sát đánh giá có lẽ vẫn còn chỗ cho sự thỏa hiệp nếu tất cả các bên đều sẵn sàng đối thoại.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Tổng thống Macron nhận định ngày 8/2 rằng các phái viên từ Pháp, Đức, Nga và Ukraine sẽ gặp nhau ở Berlin trong các cuộc trao đổi theo định dạng Normandy ngày 10/2, 2 tuần sau một vòng đàm phán trước đó ở Paris.

Cuộc gặp này đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các cố vấn chính trị từ 4 quốc gia liên quan đến Thỏa thuận Minsk trong 2 năm qua.

Ngoài ra, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trao đổi vào tuần tới nhằm thực hiện thỏa thuận hòa bình này.

(Theo VOV)

Các tin khác
Nga và EU đang nỗ lực giảm leo thang căng thẳng về Ukraine.

Các nhà ngoại giao EU và Nga đang nỗ lực đàm phán trong những tuần gần đây liên quan tới vấn đề Ukraine.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC.

Một số nghị sỹ Mỹ đang quan ngại về tiến độ thảo luận dự luật trừng phạt Nga của lưỡng đảng, dự luật được cho là sẽ khiến Moskva nhận hậu quả nặng nề nếu căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.

Ảnh minh họa.

Nhà Trắng ngày 09/02 cho biết không có kế hoạch sơ tán quy mô lớn công dân Mỹ khỏi Ukraine trong trường hợp nước này bị Nga tấn công.

Tình hình Nga - Ukraine tiếp tục leo thang căng thẳng khi cả hai phía đều liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận trên bộ và trên biển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục