Chính phủ Anh vừa ban hành một luật mới, cho phép họ có thêm quyền mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga giữa cuộc khủng hoảng Ukraina.
|
Ngoại trưởng Anh Liz Truss (trái) và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại cuộc họp báo chung sau khi hội đàm ở Moscow ngày 10/2.
|
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu James Cleverly ngày 10/2 đã đệ trình lên Hạ viện Anh luật "mở rộng đáng kể phạm vi trừng phạt các cá nhân, doanh nghiệp và các thực thể khác trong trường hợp có thêm bất kỳ hành động gây hấn nào của Nga". Ông Cleverly tuyên bố, văn bản này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Theo báo RT, luật mới cung cấp cơ sở pháp lý để Anh áp trừng phạt với những người bị London cho là dính líu đến việc "gây mất ổn định, phá hoại hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền hoặc nền độc lập của Ukraina" cũng như bất kỳ đối tương nào "thu lợi ích hoặc ủng hộ Nga".
Việc giao dịch với "một nhóm ly khai ở Donbas (miền đông Ukraina)" và "làm ăn hay hoạt động ở Crưm" cũng nằm trong số các hoạt động được xem là đáng bị trừng phạt.
Chính phủ Anh công bố luật mới đúng vào ngày Ngoại trưởng nước này Liz Truss công du Moscow. Thực tế dường như chứng minh bình luận của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng, cuộc gặp giữa họ "giống như một người điếc đang nói chuyện với một người câm".
Chỉ vài giờ sau cuộc tiếp xúc với ông Lavrov, bà Truss đã đưa ra một tuyên bố liên quan đến các lệnh trừng phạt, thúc giục Nga "giảm leo thang và chọn con đường ngoại giao". Ngoại trưởng Anh cũng đe dọa, nếu Nga "tiếp tục gây hấn với Ukraina, Anh và các đối tác sẽ không ngần ngại hành động".
Suốt nhiều tháng qua, Anh, Mỹ và các đồng minh không ngừng cáo buộc Nga có kế hoạch tấn công Ukraina, bất chấp sự bác bỏ của Moscow. Ngược lại, Chính phủ Nga tố cáo phương Tây đang cố tình dựng chuyện bôi xấu nước này và khuấy đảo bất ổn trong khu vực.
Trò chuyện với hãng thông tấn RIA Novosti hôm 10/2, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Gatilov nhấn mạnh: "Mối quan ngại lớn của chúng tôi là Mỹ và các đồng minh đang làm trầm trọng thêm tình hình, đến mức mà trò chơi nâng cao ảnh hưởng có thể biến thành một thảm kịch thực sự. Thủ phạm sẽ là những người đã áp đặt trò chơi nguy hiểm này lên chúng tôi nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung".
Ông Gatilov nói thêm, cách tiếp cận "được ăn cả, ngã về không" rất nổi tiếng trong hoạt động ngoại giao và từng được sử dụng nhiều lần trong lịch sử các mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, quan chức này vẫn bày tỏ hy vọng Washington và một số đối tác không sẵn sàng thúc đẩy một cuộc xung đột toàn diện với Nga
(Theo Vietnamnet)