Ngày 10/3, công ty đường sắt Ba Lan PKP thông báo miễn phí vé tàu cho người Ukraine đến Đức.
Theo thông báo từ PKP, từ ngày 9/3, người Ukraine có thể đi tàu miễn phí vé hạng 2 nếu lên 9 tuyến tàu nối các thành phố của Ba Lan gồm Vacsava, Przemysl và Gdynia tới thủ đô Berlin và Frankfurt của Đức.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine leo thang, nhiều người dân tại Ukraine đã sơ tán tới các nước láng giềng, trong đó chủ yếu tới Ba Lan.
PKP đã sắp xếp thêm các chuyến tàu từ biên giới với Ukraine để đón người dân sơ tán miễn phí. Ước tính, khoản 300.000 người Ukraine đã tới Ba Lan theo tuyến đường sắt này, tính từ ngày 26/2.
Ngày 10/3, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Szefernaker cho biết nhiều người sơ tán từ Ukraine qua Ba Lan để lên tàu đến các nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Ba Lan đang phối hợp với các đối tác EU để tạo điều kiện cho người sơ tán thực hiện hành trình này.
Lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan ước tính 1,43 triệu người đã di chuyển từ Ukraine tới Ba Lan kể từ sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2.
Cùng ngày, chính phủ Anh thông báo từ tuần tới sẽ đơn giản hóa quy trình xét thị thực với người sơ tán từ Ukraine.
Phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cho biết từ ngày 15/3, những người đủ điều kiện xin thị thực "đoàn tụ gia đình" ở Anh (là những người có họ hàng gần sống tại Anh) và có hộ chiếu có thể đăng ký xin thị thực trực tuyến thay vì phải trực tiếp đến trung tâm cấp thị thực để cung cấp thông tin sinh trắc học.
Thay vào đó, nếu đơn đăng ký đã được tiếp nhận xem xét và các thủ tục kiểm tra được hoàn tất thì người xin thị thực sẽ nhận được thông báo trực tiếp về việc được cấp thị thực và có thể tới Anh.
Người Ukraine có hộ chiếu hợp pháp sẽ được cấp thị thực trực tuyến để tới Anh và sẽ chỉ phải cung cấp dữ liệu sinh trắc học khi đã đến nơi.
Phát biểu trước Quốc hội, Bà Patel cho biết quy định mới sẽ giúp quy trình xin thị thực "nhanh hơn và đơn giản hơn," song nhấn mạnh các cuộc kiểm tra an ninh quan trọng sẽ tiếp tục trong mọi trường hợp.
Bộ trưởng Patel cho biết với việc những người có hộ chiếu có thể xin thị thực trực tuyến, các trung tâm cấp thị thực của Anh tại châu Âu-có thể xử lý 13.000 cuộc hẹn mỗi tuần - giờ đây sẽ tập trung xử lý đơn của những người chưa có hộ chiếu hoặc căn cước công dân.
Cho đến nay, Anh mới cấp 850 thị thực cho người Ukraine trong tổng số 22.000 đơn đăng ký.
Bộ Nội vụ ước tính có từ 50.000 đến 60.000 người Ukraine sống ở Anh, có nghĩa là khoảng 100.000 người tị nạn đủ điều kiện xin thị thực đến Anh để đoàn tụ với gia đình.
Chính phủ Anh cũng cam kết sẽ mở chương trình thị thực thứ hai cho người tị nạn Ukraine, theo đó cho phép các cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức từ thiện tài trợ cho các cá nhân xin thị thực vào Anh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cách thức thực hiện chương trình này.
Bộ trưởng phụ trách Chương trình nâng cấp nước Anh và cộng đồng địa phương, Michael Gove, cũng đang chuẩn bị một chương trình thị thực nhân đạo khác nhằm cho phép thêm người tị nạn đến Anh.
* Mỹ thông báo viện trợ nhân đạo bổ sung cho người dân Ukraine
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Mỹ sẽ cung cấp gần 53 triệu USD cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) để cung cấp thực phẩm cho những người Ukraine đang phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Ngày 10/3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố khoản viện trợ nhân đạo bổ sung hơn 50 triệu USD cho những người phải di dời do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trong chuyến công du tới Ba Lan, bà Harris thông báo Mỹ sẽ cung cấp gần 53 triệu USD thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Khoản tài trợ này sẽ được ưu tiên dành cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc để cung cấp thực phẩm cho những người ở Ukraine đang phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong nước hoặc các nước khác.
Ngoài ra, khoản tài trợ bổ sung cũng cung cấp thêm vật tư y tế, chăn và các nhu yếu phẩm khác.
Các quan chức Mỹ ước tính 2 triệu người đã rời khỏi Ukraine sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong khi ít nhất 12 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo trên khắp Ukraine.
Cùng ngày, Ủy viên của Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề nội vụ, bà Ylva Johansson cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukraine là "thách thức lớn” đối với khối này và chắc chắn sẽ càng trở nên trầm trọng, nhưng cũng khẳng định sự đoàn kết "chưa từng có” giữa 27 quốc gia thành viên trong vấn đề này.
Hơn 2 triệu người tị nạn từ Ukraine đã tràn sang EU trong 2 tuần qua, kể từ khi Nga đưa quân vào quốc gia láng giềng thân phương Tây hôm 24/2.
Tuy nhiên, bà Ylva Johansson cảnh báo rằng sẽ còn có thêm "nhiều triệu người nữa” trong những ngày tới và tình hình sẽ trở nền tồi tệ hơn vì những người tị nạn đến sau không có người thân hoặc bạn bè tại các nước EU.
Quan chức này đặc biệt lưu ý về "quan ngại lớn” trong việc chăm sóc trẻ em, chiếm đến gần một nửa những người tị nạn băng qua biên giới và cho biết EU đang kích hoạt một mạng lưới bảo vệ những trẻ em không có người lớn đi kèm trước nguy cơ từ các băng nhóm buôn người.
(Theo Vietnam+)