Sau hai tuần giao tranh, quân đội Ukraine đến nay vẫn duy trì khả năng kháng cự trước chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, các đơn vị xe tăng Nga trong tuần qua đã tăng cường đà tiến và áp sát thủ đô Kiev từ hướng đông bắc, tây bắc, làm dấy lên lo ngại rằng thủ đô Ukraine có thể sớm bị bao vây trong thế gọng kìm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố bám trụ đến cùng ở Kiev, nhưng các đồng minh phương Tây cũng đang lên kế hoạch ứng phó với kịch bản thủ đô Ukraine thất thủ, cũng như duy trì khả năng lãnh đạo phong trào kháng cự của Zelensky, có thể là từ nước ngoài.
"Chúng tôi đang lập kế hoạch dự phòng cho mọi khả năng", bao gồm cả kịch bản Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải thành lập chính phủ lưu vong ở Ba Lan, một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên cho hay.
Zelensky, người tự gọi mình là "mục tiêu số một" của Nga, từng thảo luận với các quan chức Mỹ về việc ông có nên di chuyển về phía tây, đến một vị trí an toàn hơn ở thành phố Lviv gần biên giới Ba Lan hay không. Đội ngũ an ninh của Tổng thống Zelensky đã lên kế hoạch sẵn sàng đưa ông và các thành viên nội các rời thủ đô, một quan chức cấp cao cho hay, nhưng "đến nay, ông vẫn từ chối".
Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, từ chối tiết lộ về bất kỳ kế hoạch dự phòng nào mà Ukraine đã lên sẵn cho kịch bản các lực lượng Nga giành được quyền kiểm soát thủ đô Kiev.
"Chúng tôi phải giành chiến thắng, không có lựa chọn nào khác", ông nói.
Dù vậy, các nhà ngoại giao châu Âu, cũng như các đối tác Mỹ, đang bắt đầu chuẩn bị phương án hỗ trợ chính phủ Ukraine nếu Kiev thất thủ hoặc Ukraine thất bại trong cuộc xung đột.
Một nghị quyết của Liên Hợp Quốc gần đây lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine được coi là một trong những yếu tố "đặt nền móng" để công nhận chính quyền Zelensky là chính phủ hợp pháp của Ukraine và giữ cho nó tồn tại ngay cả khi nước này không còn nắm quyền kiểm soát lãnh thổ, một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu cho biết.
"Chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng đó sẽ là điều chúng tôi sẵn sàng thực hiện ngay lập tức", ông nói.
Ngay từ tháng 12 năm ngoái, một số quan chức Mỹ đã nhìn ra các dấu hiệu cho thấy quân đội Ukraine đang chuẩn bị cho một kế hoạch kháng cự lâu dài, ngay cả khi Tổng thống Zelensky không tin rằng Nga sẽ thực sự đưa quân qua biên giới.
Một chỉ huy đặc nhiệm Ukraine từng tiết lộ với nghị sĩ Cộng hòa Michael Waltz và nghị sĩ Dân chủ Seth Moulton cùng các nhà lập pháp Mỹ khác rằng họ đang chuyển hướng huấn luyện và có kế hoạch xây dựng một lực lượng vũ trang chuyên tấn công du kích, nếu xung đột còn dai dẳng.
Giới chức vẫn thận trọng với phương án hỗ trợ công khai cho nỗ lực phản kháng của Ukraine sau khi Kiev thất thủ, vì nó có thể khiến các nước thành viên NATO bị kéo vào vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Một số quan chức Mỹ cảnh báo việc ủng hộ chính phủ Zelensky hoạt động ở Ba Lan cũng có thể bị Nga coi là hành động khiêu khích.
Nga chưa bình luận về các động thái này. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh mục tiêu của quân đội Nga "không phải là chiếm đóng Ukraine hay lật đổ chính quyền", đồng thời khẳng định họ "không nhắm vào cộng đồng dân cư".
Tuy nhiên, lực lượng Nga vẫn tiếp tục bao vây các thành phố lớn của Ukraine, tăng cường hoạt động pháo kích, oanh tạc và nỗ lực khép gọng kìm với Kiev. Ukraine cáo buộc máy bay Nga ngày 9/3 ném bom một bệnh viện ở Mariupol, khiến ít nhất 17 người bị thương. Bà Zakharova cáo buộc "các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine" đã biến bệnh viện này thành nơi bố trí các vị trí chiến đấu.
Nguy cơ xung đột ở Ukraine tiếp tục kéo dài là rất cao, khi các lãnh đạo NATO đánh giá rằng trong trường hợp lực lượng Nga tiến vào thủ đô Kiev, tâm lý kháng cự vẫn sẽ được duy trì.
"Sẽ có phản kháng. Vậy nên ngay cả khi Kiev thất thủ, điều đó không có nghĩa là xung đột sẽ chấm dứt", Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks đánh giá.
(Theo VnExpress)