Đến nay, tuy chiến sự vẫn giằng co nhưng bức tranh tổng quan về "thế trận" giữa các bên và viễn cảnh một thế giới "hậu Ukraine" đã phần nào rõ hơn.
Cuộc chiến tại Ukraine đang "vẽ lại" và sẽ "định hình" lại quan hệ quốc tế và cục diện thế giới trong nhiều năm tiếp theo. Đây không chỉ là cuộc chiến quân sự, mà còn là sự đan xen của nhiều cuộc chiến khác, trong đó bên chủ động của cuộc chiến này lại ở vào thế bị động của cuộc chiến khác.
"Bất cân xứng" về quân sự
Xét về tiềm lực và sức mạnh quân sự, Ukraine chưa bao giờ là đối thủ của Nga. Vì vậy, ngay khi cuộc chiến mới nổ ra, các lãnh đạo quân sự của Mỹ và NATO cho rằng Kiev chỉ trụ được vài ngày.
Tuy nhiên, sự "trụ vững" của Kiev khiến phương Tây hết sức bất ngờ và khiến họ buộc phải thay đổi quan điểm trong hỗ trợ Ukraine.
Dựa trên các thông tin của Kiev, Mỹ và NATO tin rằng chiến dịch quân sự của Nga đang gặp những trở ngại lớn và Nga đã không thực hiện được các mục tiêu chính trị và quân sự của mình như chưa chiếm được Kiev, Odessa, Mariupol..., đồng thời hứng chịu nhiều thiệt hại về người và phương tiện quân sự trước sức chống trả của Kiev.
Về phần mình, Điện Kremlin luôn khẳng định kế hoạch quân sự của họ đang diễn ra theo đúng "kịch bản". Tuy nhiên, chỉ Tổng thống Putin và các lãnh đạo cao nhất của Nga biết được chi tiết "kịch bản" này và họ cũng không thông báo công khai.
Điều gần như chắc chắn là mặc dù chỉ triển khai một số quân hạn chế (dưới 200.000 người) và chịu không ít tổn thất, nhưng cho đến lúc này lãnh đạo Nga tin rằng họ đang làm chủ cuộc chiến "bất cân xứng" về quân sự tại Ukraine.
Sự làm chủ đó bao gồm: Nga ở vị thế quyết định tấn công địa điểm nào, thời gian bao lâu và mức độ tấn công ra sao; Nga hoàn toàn kiểm soát bầu trời Ukraine; Nga bao vây và kiểm soát các thành phố lớn, các cứ điểm quan trọng khiến quân đội Ukraine không thể di chuyển và hỗ trợ cho nhau; và phương Tây không thể can thiệp về quân sự để "giúp" Ukraine.
"Bất cân xứng" về thông tin
Tuy có "lợi thế tương đối" trên chiến trường nhưng trên mặt trận thông tin, Nga đang ở vào thế bất lợi, phải đối chọi với bộ máy truyền thông khổng lồ của Mỹ và phương Tây. Trong cuộc chiến này, phương Tây ở vị trí áp đảo so với Nga.
Một là, không chỉ truyền hình và báo chí, các mạng xã hội như Twitter, Facebook đều hoạt động hết công suất, truyền tin đến hàng tỉ người trên Trái đất.
Hai là, chưa có một cuộc chiến nào trước đó, kể cả các cuộc chiến do phương Tây phát động, mà các hãng truyền thông lớn của phương Tây và các mạng xã hội lớn của họ lại "đồng thanh" như vậy trong việc đưa các thông tin "tiêu cực" nhất về Nga. Họ đưa tin về sự yếu kém và các tổn thất quân sự của Nga; sự kiên cường của người dân và lãnh đạo Ukraine; sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine.
Ba là, ngoài chuyện "độc quyền" kể "câu chuyện Ukraine" cho cả thế giới nghe, các hãng công nghệ lớn còn cùng tìm mọi cách để loại bỏ hoặc hạn chế tin từ các hãng tin độc lập và của Nhà nước Nga như RT (Russia Today), TASS, NOVOSTI trên các nền tảng Facebook, YouTube... với lý do "phát tán tin giả".
Câu chuyện này khiến không ít người liên tưởng đến sự bắt tay của giới truyền thông, các đảng cánh tả ở phương Tây và các ông lớn công nghệ trong việc tuyên truyền một chiều về các vấn đề như bầu cử tổng thống Mỹ, biến đổi khí hậu, COVID-19 và vắc xin... Đáp lại, Nga trả đũa bằng cách cấm hoặc hạn chế mạng xã hội và truyền thông phương Tây hoạt động ở Nga.
"Bất cân xứng" về kinh tế - tài chính
Một cuộc chiến "bất cân xứng" khác mà Nga cũng phải đương đầu là các lệnh cấm vận về kinh tế, tài chính do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và phương Tây áp lên Nga.
Dù là cường quốc hạt nhân số 1 thế giới nhưng GDP của Nga trước cuộc chiến Nga - Ukraine lại hết sức "khiêm tốn", đứng thứ 12 thế giới và chỉ chiếm 2% tổng GDP toàn cầu. Tính theo tổng GDP thì GDP của Nga chỉ bằng 1/10 so với EU và bằng 1/12 so với Mỹ.
Ngay khi cuộc chiến xảy ra, Mỹ và EU đã đi tiên phong trong việc phối hợp nỗ lực quốc tế áp đặt trên 5.000 lệnh cấm vận với Nga, khiến Nga trở thành một trong số ít các nước bị cấm vận ngặt nghèo nhất thế giới.
Các lệnh cấm vận này tập trung vào những "tử huyệt" của nền kinh tế Nga: cấm vận về năng lượng; loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; các tập đoàn lớn rút đầu tư và hoạt động tại Nga; đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài trị giá trên 300 tỉ USD và tịch thu, phong tỏa tài sản của các tỉ phú có liên hệ mật thiết với Tổng thống Putin và chính quyền Nga.
Tuy chưa phản ánh đầy đủ tất cả, nhưng ba cuộc chiến nói trên đã phần nào giúp chúng ta mường tượng rõ hơn về các tác động của chúng đối với thế giới trong tương lai.
Thắng lợi trong cuộc chiến quân sự, dù là của một cường quốc, có thể là sự bắt đầu một bi kịch mới với họ trong tương lai. Ngược lại "thắng lợi" mà phương Tây đang tìm kiếm đối với Nga bằng cách "loại bỏ" nước này ra khỏi trật tự toàn cầu mới cũng có thể là bước khởi đầu cho các bất ổn thế giới mới, thậm chí cả sự tồn vong của chính họ.
Đàm phán Nga - Ukraine đang chững lại
Ngày 23-3, tiến trình đàm phán Nga - Ukraine hơi chững lại song hai bên đã thống nhất được 9 hành lang nhân đạo tại Ukraine để tiếp tục sơ tán dân.
Đài Al Jazeera dẫn lời Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết các hành lang nhân đạo nói trên sẽ giúp sơ tán dân tại các vùng Donetsk, Zaporizhzhia, Kiev và Lugansk. Thành phố Mariupol vẫn bị bao vây và phía Mỹ cho biết lực lượng Nga đã tiến vào thành phố này. Thủ đô Kiev vẫn cố thủ trước các đợt tấn công mới của Nga.
Điện Kremlin nói Nga có thể xem xét khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân khi thấy có "mối đe dọa sống còn" với mình.
Trên bàn đàm phán, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc Mỹ cản trở cuộc đối thoại vốn đã khó khăn và chậm chạp, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nói đàm phán đang tiến từng bước khó khăn.
Ông Lavrov cho rằng phía Ukraine liên tục thay đổi quan điểm, trong khi Điện Kremlin nói việc Kiev muốn trưng cầu ý dân các điều khoản như chủ quyền lãnh thổ và công nhận độc lập của vùng Donbass là không thể chấp nhận.
Về ngoại giao, Mỹ đe dọa sẽ có thêm trừng phạt với Nga trong khi Ba Lan trục xuất 45 nhà ngoại giao của Nga với cáo buộc gián điệp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ bay tới Brussels (Bỉ) để dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 24-3. Sau đó, ông Biden dự kiến tới Warsaw (Ba Lan) để bày tỏ sự ủng hộ với quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine và đã tiếp nhận cả triệu người tị nạn Ukraine. |
(Theo TTO)