Ukraine trung lập - "lá chắn" an ninh Nga không muốn để mất

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/3/2022 | 7:38:26 AM

Vấn đề trung lập của Ukraine đang trở thành yếu tố then chốt trong các vòng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Sau nhiều cảnh báo, rạng sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Moscow chính thức mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa", "phi phát xít hóa" Ukraine và bảo vệ người dân ở vùng ly khai Donbass, miền Đông Ukraine.

Trải qua một tháng chiến sự căng thẳng, Nga đã dần làm rõ, cụ thể hóa những mục tiêu của chiến dịch này. Trưởng đoàn đàm phán Nga, ông Vladimir Medinsky, hôm 18/3 cho biết: "Vấn đề quy chế trung lập và việc Ukraine không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một trong những chủ đề quan trọng của cuộc đàm phán. Hai bên đang nỗ lực đi tới thống nhất. Sau đó, chúng tôi tiếp tục thảo luận các chi tiết cụ thể liên quan đến những đảm bảo an ninh mà Ukraine nhận được nếu nước này từ chối gia nhập NATO".

Phía Nga nói rằng, Ukraine đang đề xuất mô hình giống của Áo hoặc Thụy Điển về một nhà nước phi quân sự trung lập, nhưng vẫn có lục quân và hải quân riêng. Ông Medinsky cho biết thêm, "quy mô quân đội Ukraine" cũng là một trong những vấn đề đang được thảo luận. Trước đó, Moscow cũng nhiều lần tuyên bố, chiến dịch quân sự ở Ukraine chỉ chấm dứt khi Kiev đảm bảo vị thế trung lập và đưa ra các cam kết an ninh với Nga.

Tuy nhiên, không lâu sau khi phía Nga đưa ra tuyên bố trên, nhà đàm phán Ukraine Mikhailo Podolyak tuyên bố Kiev chỉ muốn an ninh của nước này được đảm bảo bởi các lực lượng quốc tế. Ông Podolyak bác bỏ phương án Ukraine áp dụng quy chế trung lập tương tự với Áo hoặc Thụy Điển. Ông Podolyak kêu gọi xây dựng thỏa thuận an ninh có tính ràng buộc pháp lý, được ký kết bởi các đối tác quốc tế, trong đó yêu cầu họ "không đứng ngoài cuộc trong trường hợp có xung đột ở Ukraine như lúc này".

Mô hình trung lập kiểu Áo hay Thụy Điển


Một người đàn ông đang đi qua một bức họa ủng hộ Ukraine ở London, Anh 

Quốc gia trung lập là nước không tham gia các liên minh quân sự, không ký kết các hiệp ước dẫn đến xung đột vũ trang, không tham chiến trừ trường hợp tự vệ, không cung cấp tài chính, vũ khí, phương tiện tiến hành chiến tranh, không cho phép các bên giao chiến tuyển mộ nhân viên quân sự, không cho lập căn cứ quân sự, hậu cần trên lãnh thổ nước mình.

Sau Thế chiến II, Áo từng bị 4 quốc gia chiến thắng kiểm soát (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô). Sau hơn 10 năm, các bên mới tìm ra một thỏa thuận có lợi cho tất cả. Đó là đổi lấy việc Liên Xô rút quân, Áo phải cam kết trở thành một quốc gia trung lập trong khi vẫn có thể tiếp tục bảo tồn các định chế dân chủ và hệ thống kinh tế mang tính phương Tây.

Áo chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập vào năm 1955. Luật pháp nước này nêu rõ, Áo sẽ không tham gia các liên minh quân sự, không cho phép đặt các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Áo, không cho phép các cường quốc sử dụng hoặc đi qua lãnh thổ trừ khi có sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Đến năm 1995, quốc gia này đã gia nhập EU và tham gia cơ chế an ninh và phòng thủ chung theo nội dung Hiệp ước Lisbon vào năm 2009. Trong EU, Áo là quốc gia có chi tiêu cho quân sự ít nhất, khoảng 0,7% GDP. Chính phủ Áo dự kiến tăng ngân sách quốc phòng lên 1%, song Thủ tướng Áo Karl Nehammer khẳng định nước này sẽ tiếp tục giữ quy chế trung lập.

Thụy Điển cũng là một quốc gia trung lập trong Thế chiến II và là một phần của phong trào không liên kết trong Chiến tranh Lạnh, mặc dù nước này được cho là đã bí mật hợp tác với Mỹ trong việc cung cấp thông tin nhạy cảm về Liên Xô. Tuy nhiên, Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập chính thức khi gia nhập EU vào năm 1995 và thay thế bằng chính sách không liên kết quân sự. Điều này đồng nghĩa Thụy Điển không gia nhập bất cứ khối quân sự nào và cũng không có căn cứ nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình.

Các quốc gia điển hình về tồn tại trung lập có Thụy Sĩ, Ireland, Thụy Điển, Phần Lan và Áo. Trong khi đó, một số quốc gia, đặc biệt ở Trung và Đông Âu có vị trí gần Nga, đã gia nhập NATO và né tránh trung lập vì lo ngại điều này sẽ khiến họ trở nên yếu thế và dễ tổn thương.

Quy chế trung lập được diễn giải khác nhau tùy theo mỗi nước. Costa Rica cũng là một quốc gia trung lập nhưng đồng thời đã phi quân sự hóa, trong khi Thụy Sĩ áp dụng cơ chế "trung lập có vũ trang" và không triển khai lực lượng ở nước ngoài.

Mặc dù vẫn duy trì quy chế trung lập, nhưng những năm gần đây, Thụy Điển và Phần Lan được cho là đang cân nhắc "bớt trung lập hơn" do lo ngại các mối đe dọa an ninh, đặc biệt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Một khảo sát của Đài truyền hình Phần Lan YLE gần đây cho thấy lần đầu tiên, có hơn 50% người Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO. Ở Thụy Điển, khảo sát tương tự cũng cho thấy người ủng hộ gia nhập NATO nhiều hơn người phản đối. Tuy nhiên, gần đây Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã từ chối lời kêu gọi gia nhập NATO vì cho rằng việc nước này gia nhập sẽ gây mất ổn định cho an ninh của châu Âu.

Vì sao Nga muốn Ucraina trung lập?


Một xe quân sự Nga bị phá hủy ở Kharkov, Ukraine 

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga mất sự kiểm soát đối với 14 nước Cộng hòa, nhưng trong số đó, Ukraine có lẽ là mất mát đáng kể nhất với Nga.

Nhiều người Nga cảm thấy giữa mình và Ukraine tồn tại một mối liên kết mà họ không cảm nhận được đối với các quốc gia khác thuộc khối Liên Xô cũ. Ông Putin đã từng nói rằng người Nga và Ukraine là cùng một dân tộc, cùng chia sẻ một "không gian lịch sử và tinh thần duy nhất". Hơn nữa, Ukraine còn giữ vị trí "địa chính trị" quan trọng do có các cảng chính trên Biển Đen và chung biên giới với 4 quốc gia NATO. Do vậy, việc Ukraine ngày càng ngả về phương Tây - một liên minh quân sự đối đầu với Nga - là điều "không thể chấp nhận được".

Với Ukraine, sau cuộc đảo chính năm 2014, Ukraine đã bắt đầu theo đuổi mục tiêu gia nhập EU và NATO. Kiev đã từ bỏ trạng thái không liên kết và coi việc gia nhập hai liên minh này là ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại. Thậm chí, lộ trình gia nhập NATO đã được đưa vào hiến pháp Ukraine từ năm 2019. Tuy nhiên, đó có thể là vấn đề mấu chốt, là nguyên nhân sâu xa khiến Nga quyết định mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.

Lý giải về việc Nga cần Ukraine duy trì tình trạng trung lập, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergei Naryshkin ngày 3/3 cho biết: "Tình trạng trung lập của Ukraine rất quan trọng với Nga. Đây là rào chắn lãnh thổ tối thiểu mà chúng tôi cần để ngăn chặn các cuộc tấn công từ phương Tây. Các chuyên gia Mỹ và NATO nhận thức rõ điều đó và đó là lý do tại sao họ tiến gần Ukraine như vậy trong bối cảnh Nga thách thức sự lãnh đạo toàn cầu đang suy giảm của Mỹ".

Nga luôn cảm thấy dễ bị tổn thương về mặt an ninh vì lãnh thổ quá rộng lớn trong khi lại thiếu đi các "rào chắn" tự nhiên. Do đó, việc duy trì ảnh hưởng với các nước láng giềng, từ đó tạo ra các vùng đệm an ninh, là một trong những trụ cột chính trong chính sách an ninh và đối ngoại của Nga.

Trong nhiều năm qua, Tổng thống Putin đã bày tỏ lo ngại về việc NATO đang không ngừng mở rộng về phía Đông sau Chiến tranh Lạnh, choán dần không gian hậu Xô Viết từng nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga. Với Moscow, đó là "lằn ranh đỏ" mà phương Tây không nên vượt qua.

Ông Fotios Moustakis, Phó giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Plymouth (Mỹ), nhận định với hãng tin Al Jazeera rằng: "Sự thật của vấn đề là kể từ năm 2008, sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, Nga đã nói rõ rằng Ukraine không được phép thoát khỏi quỹ đạo và ảnh hưởng của Nga. Nếu Ukraine hay Gruzia trở thành thành viên NATO, đó sẽ là một sai lầm chiến lược to lớn và đe dọa trực tiếp đến lợi ích chiến lược cốt lõi của Nga".

Dù chưa phải là thành viên của NATO, nhưng Ukraine đã được hứa hẹn kết nạp vào liên minh. Tổng thống Putin từng nói rằng, mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Ukraine và Nga có thể biến nơi này trở thành bệ phóng cho tên lửa NATO nhằm vào Nga. Vì vậy, ông muốn có sự đảm bảo về vấn đề an ninh từ phía phương Tây, bao gồm việc hủy bỏ lời hứa cho Kiev gia nhập NATO.

Cuối năm ngoái, Nga đã đưa ra 8 đề xuất an ninh với phương Tây. Các đề xuất này bao gồm: Không mở rộng liên minh về phía Đông, không triển khai quân đội hoặc vũ khí tới các nước gia nhập khối sau năm 1997, rút các tiểu đoàn NATO khỏi Ba Lan cũng như các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania từng thuộc Liên Xô cũ, hạn chế triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, chia sẻ thông tin nhiều hơn về các cuộc tập trận quân sự

Những yêu cầu này không mới bởi Nga lâu nay vẫn phản đối và tìm cách ngăn Ukraine ngả về phương Tây hay ngăn NATO mở rộng ảnh hưởng về phía Đông Âu. Tuy nhiên, lần này, Nga cho thấy sự cấp bách hơn trong việc phải ngăn NATO "Đông tiến". Theo nhiều chuyên gia, điều này là bởi Nga nhận thấy hiện giờ là lúc cần quyết liệt hơn để cân bằng quyền lực ở châu Âu khi tầm ảnh hưởng của NATO đã mở rộng đến "vùng đệm an ninh" của Nga.

Giới phân tích cho rằng, việc đảm bảo tính trung lập của Ukraine trong bất cứ thỏa thuận nào cũng có thể giúp giảm bớt những lo ngại của Nga về mối đe dọa quân sự ngay sát sườn, đặc biệt là trước khả năng Kiev có thể trở thành thành viên NATO.

Lối đi nào cho Ucraina?


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky 

Vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Tổng thống Ukraine Zelensky đã liên tục kêu gọi EU và NATO nhanh chóng kết nạp Kiev. Sau những kêu gọi bất thành, ông tuyên bố không còn "mặn mà" với NATO và phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán về vị thế trung lập. Tuy nhiên, ông dường như vẫn không từ bỏ mong muốn đưa Ukraine trở thành thành viên của EU.

Nếu như vậy, Ukraine có thể tiến gần hơn đến mô hình nước Áo. Trước khi đưa quy chế trung lập vào hiến pháp, Áo đã yêu cầu rút hết các lực lượng ngoài đóng tại nước này từ năm 1945, trong đó có lực lượng Nga. Điều đó có nghĩa nếu Ukraine chấp thuận mô hình trung lập kiểu Áo, thì trước tiên Nga phải rút lực lượng về nước và Ukraine cam kết không bao giờ gia nhập NATO.

Trước mắt, Kiev đã bác bỏ đề xuất của Nga về mô hình trung lập. Trưởng đoàn đàm phán Ukraine Mykhailo Podoliak nói: "Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh trực tiếp với Nga nên chỉ có một mô hình là mô hình Ukraine". Ông nhấn mạnh điều mà Kiev muốn là những "bảo đảm an ninh tuyệt đối". Cụ thể, Ukraine muốn những nước tham gia ký kết các bảo đảm này cam kết sẽ can thiệp hỗ trợ Ukraine trong trường hợp nước này bị tấn công. Vấn đề là liệu ai sẵn sàng đứng ra để đảm bảo những cam kết này cho Ukraine.

Tanguy Struye, giáo sư tại Học viện Quân sự Hoàng gia Bỉ, nhận định: "Quy chế trung lập không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng chắc chắn là giải pháp thực tiễn nhất (với Ukraine) trong bối cảnh hiện nay". Quy chế trung lập mà ông nhắc đến là "trung lập có vũ trang", theo như mô hình Áo hay Thụy Điển, vì hai nước này cũng có khả năng phòng thủ và có một chính sách ngoại giao riêng.

Liệu Nga và Ukraine có đạt được thỏa thuận về quy chế trung lập hay không có lẽ phần lớn còn phụ thuộc vào diễn biến tình hình chiến sự hiện nay.

Tất nhiên, vị thế trung lập của Ukraine chỉ là một trong điều kiện của Nga để tiến tới một hiệp ước hòa bình với quốc gia láng giềng. Moscow tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine nếu nước này đáp ứng các đề xuất khác mà Nga đưa ra trong đó có việc công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở Donbass. Tuy vậy, những điều kiện này đang khiến các cuộc hòa đàm Nga - Ukraine bế tắc, triển vọng đạt được một hiệp ước hòa bình vẫn rất mong manh.

(Theo Dân trí)

Các tin khác
Nhân viên tìm kiếm và cứu hộ tại địa điểm máy bay gặp nạn ở tỉnh Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc. vào ngày 26/3.

Ngày 27/3, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết đã xác định được 120 trong số 132 nạn nhân trong vụ rơi máy bay của hãng hàng không China Eastern Airlines.

Lực lượng an ninh Tunisia đã phá tan một âm mưu tấn công khủng bố. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát ngôn viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tunisia cho biết những kẻ khủng bố đã chuẩn bị tấn công Bộ trưởng Nội vụ trong chuyến thăm của ông đến phía Đông Nam đất nước vào đầu tháng 1 vừa qua.

Quân Chính phủ Yemen trong cuộc giao tranh với lực lượng Houthi tại tỉnh Marib ngày 31/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres mạnh mẽ lên án xung đột leo thang gần đây tại Yemen sau vụ tấn công của Houthi vào nhà máy dầu ở Jeddah và hành động không kích đáp trả của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết các lệnh trừng phạt áp đặt lên các cá nhân và công ty Nga có thể được dỡ bỏ nếu Nga rút khỏi Ukraine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục