Các cuộc đàm phán giữa các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và các phái đoàn từ Thụy Điển và Phần Lan về việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO đã diễn ra tại dinh tổng thống ở Ankara hôm 25/5. Tại cuộc hội đàm, Thổ Nhĩ Kỳ có đại diện là người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin và Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal.
Sau cuộc hội đàm kéo dài 5 giờ đồng hồ, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin nói rằng Ankara sẽ không đồng ý để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cho đến khi những lo ngại về an ninh "cụ thể" của nước này liên quan đến khủng bố và các lệnh trừng phạt được đáp ứng.
Ông Ibrahim Kalin tuyên bố, Ankara sẽ không vội vàng đạt được thỏa thuận trước cuộc họp tiếp theo của NATO.
"Nếu không đáp ứng được những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ thì bất kỳ quá trình nào về sự mở rộng của NATO sẽ không thể tiếp tục", ông Ibrahim Kalin nói, cho rằng NATO là một tổ chức an ninh, do đó liên minh này phải đảm bảo "các mối quan tâm an ninh của các quốc gia thành viên được đáp ứng một cách bình đẳng và công bằng".
Các quan chức Thụy Điển và Phần Lan giờ đây sẽ trở lại nước để thảo luận về các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. "Quá trình trở thành thành viên của hai quốc gia Bắc Âu chỉ có thể tiếp tục theo hướng giải quyết những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Ibrahim Kalin nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo NATO sẽ gặp nhau tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha vào cuối tháng tới. Ông Ibrahim Kalin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ "không chịu áp lực về thời gian” để đạt được thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan vào thời điểm đó.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển chứa chấp, tài trợ và cung cấp vũ khí cho các nhóm mà nước này liệt vào danh sách "phần tử khủng bố”, đặc biệt là nhóm vũ trang đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ thái độ cứng rắn khi tuyên bố hai quốc gia Bắc Âu không cần bận tâm tới việc cử phái đoàn đến thuyết phục Ankara. Nước này sẽ chỉ chấp thuận đơn xin nhập của Thụy Điển và Phần Lan nếu hai nước đáp ứng được những điều kiện như chấm dứt hỗ trợ chính trị, tài chính và vũ khí cho các tổ chức khủng bố, cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyên bố phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm giảm triển vọng gia nhập liên minh quân sự của Phần Lan và Thụy Điển. Để có thể trở thành viên NATO, hai nước này phải trải qua quá trình xét duyệt có thể kéo dài một năm, và phải được toàn bộ 30 thành viên NATO đồng thuận, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
(Theo VTC)