Được biết tới là một trong các diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực châu Á song mọi tâm điểm chú ý của Đối thoại Shangri-La năm nay lại dường như đều đổ dồn về màn ‘"đấu khẩu không ai nhường ai” của hai ông lớn Mỹ và Trung Quốc (TQ) ngay từ đầu hội nghị.
Mỹ - Trung và vấn đề Đài Loan
Trong bài phát biểu về những bước đi tiếp theo trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD) của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trực tiếp lên án TQ vì những hành động của Bắc Kinh mà ông cho là cưỡng ép, gây hấn và nguy hiểm, đe dọa sự ổn định xung quanh châu Á. Ông Austin cũng cam kết rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng các đối tác để chống lại mọi áp lực, đài CNN đưa tin. Bộ trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng "các động thái của TQ có nguy cơ phá hoại an ninh, ổn định và thịnh vượng ở AĐD-TBD”.
Chúng tôi không tìm kiếm đối đầu hay xung đột. Chúng tôi cũng không theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh mới, một NATO châu Á hay một khu vực bị chia cắt thành các khối thù địch.
Đề cập Đài Loan, lãnh đạo Lầu Năm Góc nói rằng Washington đã "chứng kiến sự cưỡng ép ngày càng lớn từ Bắc Kinh”. "Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các hoạt động quân sự mang tính khiêu khích và gây mất ổn định gần Đài Loan, bao gồm việc các tiêm kích TQ bay gần hòn đảo với số lượng kỷ lục trong những tháng gần đây và hầu như mỗi ngày” - ông Austin nói.
Dành phần lớn nội dung bài phát biểu về tầm nhìn của TQ đối với trật tự khu vực để đáp trả phát ngôn của ông Austin, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa cáo buộc Mỹ đang cố gắng lôi kéo các quốc gia AĐD-TBD tham gia các liên minh nhắm vào TQ, tờ South China Morning Post đưa tin.
"Mỹ đang nỗ lực xây dựng một nhóm nhỏ riêng biệt dưới danh nghĩa một AĐD-TBD tự do, rộng mở để lôi kéo các quốc gia trong khu vực và nhắm mục tiêu vào một quốc gia cụ thể. Đó là một chiến lược tạo ra xung đột và đối đầu, để kềm tỏa và bao vây những nước khác. Việc xây dựng một bức tường cao xung quanh sân của một nước và hình thành các hệ thống hoạt động tách rời nhau chỉ khiến thế giới thêm chia cắt và làm suy yếu lợi ích chung của tất cả các quốc gia” - ông Ngụy nhấn mạnh.
Về vấn đề Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng TQ kêu gọi Washington "ngừng bôi nhọ và kềm tỏa TQ, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của TQ và ngừng làm tổn hại đến lợi ích của TQ”. Ông Nguỵ tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng” để ngăn Đài Loan độc lập. "Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Không ai được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực của các lực lượng vũ trang TQ trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” - ông Ngụy nhấn mạnh.
Tình hình cuộc họp song phương Washington - Bắc Kinh bên lề hội nghị hôm 10-6 cũng không mấy tích cực khi hai vị quan chức "không ai chịu thua ai” về vấn đề Đài Loan. Tại cuộc gặp này, ông Austin "tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, phản đối các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng và kêu gọi TQ kiềm chế các hành động gây bất ổn hơn nữa đối với hòn đảo”. Đáp lại, ông Ngụy cũng đã nhấn mạnh rằng "Đài Loan là của TQ, nếu bất cứ ai dám chia cắt Đài Loan khỏi TQ, quân đội Bắc Kinh chắc chắn sẽ không ngần ngại bắt đầu một cuộc chiến bất kể giá nào”.
Có thể thấy cuộc tranh luận giữa Mỹ và TQ thực sự đã phủ bóng toàn bộ hội nghị năm nay, mặc dù phát biểu của nhiều lãnh đạo khác như Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky hay các phiên thảo luận về an ninh khí hậu, bàn về vấn đề Myanmar hay các thách thức chung của toàn châu Á-TBD... cũng không kém phần quan trọng.
Các nước quan ngại động thái an ninh của Trung Quốc
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị hôm 10-6, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã đề cập một loạt vấn đề liên quan đến TQ, bao gồm các hoạt động hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo đó, nhà lãnh đạo nói rằng các nỗ lực đơn phương và vi phạm luật pháp quốc tế nhằm thay đổi hiện trạng tại biển Hoa Đông vẫn tiếp tục diễn ra. Ông cũng nêu quan ngại về việc các quy tắc quốc tế ở Biển Đông đang bị làm ngơ.
"Cả luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 đều không được tuân thủ. Các quy tắc phải được tôn trọng. Ngay cả khi chúng trở nên bất tiện, các bên cũng không được phép hành động như thể chúng không tồn tại, cũng như không được phép đơn phương thay đổi chúng. Nếu muốn thay đổi chúng, cần phải có một sự đồng thuận mới” - Thủ tướng Nhật nhấn mạnh.
Trong phiên họp diễn ra chiều 11-6 về "An ninh hàng hải: Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và Phương thức liên lạc trong tình huống khủng hoảng”, nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm rằng lĩnh vực hàng hải về bản chất là một lĩnh vực mang tính quốc tế và không có ranh giới, do đó cần hiểu rằng bảo vệ tự do hàng hải là trách nhiệm chung và phải đảm bảo nó được tôn trọng, được thực thi trên mọi vùng biển, theo thông tin từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La 2022.
"Tự do hàng hải không phải là vấn đề của riêng một khu vực cụ thể. Tự do hàng hải cần phải được thực hiện một cách có hệ thống và toàn diện. Đây là điều mà chúng ta không thể không tuân thủ và thực hiện ở mọi nơi” - bà Alice Guitton, Tổng Vụ trưởng quan hệ quốc tế và chiến lược Bộ Quân đội Pháp, nhận định.
Bên cạnh các động thái của TQ trên biển, theo kênh Channel News Asia, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles bày tỏ hy vọng Bắc Kinh làm rõ thái độ không ủng hộ việc xâm phạm chủ quyền của một quốc gia và vi phạm Hiến chương LHQ. "TQ chưa thể hiện điều đó nên chúng tôi rất quan ngại, đặc biệt là khi cân nhắc chuyện họ đầu tư vào sức mạnh quân sự” - ông Marles nói.
Trước đó, ngày 5-6, Bộ Quốc phòng Úc cho biết tiêm kích J-16 của TQ hôm 26-5 đã thực hiện các cuộc diễn tập nguy hiểm đe dọa sự an toàn của trinh sát cơ P-8A Poseidon của Canberra khi trinh sát cơ này đang "hoạt động giám sát hàng hải thông thường” trên Biển Đông, theo hãng tin AP.
(Theo PLO)