70 nhân viên ngoại giao Nga cùng gia đình họ từ Bulgaria về nước trong đợt trục xuất lớn nhất mà Sofia từng thực hiện với Moskva.
|
Nhân viên đại sứ quán Nga tại Bulgaria cùng gia đình khởi hành về nước tại sân bay Sofia hôm 3/7.
|
Nhà ngoại giao cấp cao Nga Filip Voskresenski hôm 3/7 nói với các phóng viên tại sân bay ở thủ đô Sofia, Bulgaria, rằng ông là một trong số 70 nhà ngoại giao Nga bị nước chủ nhà coi là "người không được chào đón" hồi tuần trước và ra lệnh trục xuất trước ngày 4/7.
Lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga được quyền Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đưa ra. Đây là đợt trục xuất nhà ngoại giao Nga lớn nhất mà Bulgaria từng đưa ra.
Petkov cho hay Nga được giữ lại 43 nhân viên ngoại giao sau quyết định này, trong khi Bulgaria chỉ còn 12 nhân viên tại Moskva. "Bất cứ ai làm việc chống lại lợi ích của Bulgaria đều sẽ được yêu cầu quay trở lại đất nước của mình", quyền Thủ tướng Petkov nói.
Ông Voskresenski cho biết Nga đã điều hai máy bay tới Sofia để đón các nhân viên ngoại giao cùng gia đình họ về nước sau lệnh trục xuất.
Đại sứ Nga tại Bulgaria Eleonora Mitrofanova hôm 1/7 ra tối hậu thư, yêu cầu Bulgaria thu hồi quyết định trục xuất nhưng không thành công. Đại sứ Mitrofanova cảnh báo Moskva có thể cắt quan hệ ngoại giao với Sofia.
"Tôi đang lên kế hoạch kiến nghị lãnh đạo đóng cửa đại sứ quán Nga tại Bulgaria, động thái chắc chắn dẫn đến đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao của Bulgaria ở thủ đô Moskva", bà Mitrofanova tuyên bố.
Bulgaria, thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO, có quan hệ văn hóa, lịch sử và kinh tế chặt chẽ với Nga. Tuy nhiên, quan hệ hai nước trở nên xấu đi từ năm 2019 với loạt cáo buộc gián điệp, khiến Bulgaria trục xuất khoảng 20 nhân viên ngoại giao và một trợ lý kỹ thuật Nga.
Quan hệ song phương trở nên căng thẳng hơn sau khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine. Bulgaria hồi tháng 3 trục xuất 10 nhân viên ngoại giao Nga vì "những hành vi không phù hợp với địa vị ngoại giao", cụm từ thường được dùng để chỉ hoạt động gián điệp.
Nga cuối tháng 4 tuyên bố cắt khí đốt tới Bulgaria sau khi nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble.
(Theo VnExpress)
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong phiên họp toàn thể ngày 4/7, ông Kim Jin-pyo - nghị sĩ kỳ cựu của đảng Dân chủ (DP) đối lập chính, đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. Như vậy, ông Kim sẽ lãnh đạo nửa nhiệm kỳ sau của Quốc hội khóa 21 cho đến tháng 5/2024.
Chiếc xe buýt chở khoảng 35 hành khách đã mất lái khi chạy tốc độ cao trong mưa và rơi xuống một khe núi sâu.
Trung tâm tìm kiếm và cứu hộ biển của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 3/7 thông báo đã có 27 người mất tích sau khi một cần cầu nổi bị chìm ngoài khơi bờ biển phía Nam của tỉnh này vào sáng hôm 2/7.
Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.