Bất chấp những biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt của phương Tây đối với hàng hóa quân sự và các linh kiện quan trọng, Nga vẫn tăng cường sản xuất vũ khí trên mọi phương diện, từ máy bay không người lái, tên lửa hành trình đến các phương tiện chiến đấu và pháo binh dùng để tấn công Ukraine trên mọi mặt trận.
Một số báo cáo cho biết, nhiều loại vũ khí mới của Nga chứa các linh kiện của phương Tây, chẳng hạn như tên lửa siêu thanh Kinzhal hay tên lửa hành trình Iskander sử dụng chip của tập đoàn Texas Instruments và cuộn dây lò xo của Đức.
Phương Tây ráo riết cắt đứt nguồn cung của Nga
Mục tiêu của các nước phương Tây là phá vỡ mọi nút phân phối trong chuỗi cung ứng của Nga, làm giảm khả năng mua công nghệ nước ngoài và buộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Moscow phải trả giá đắt.
Khi xung đột kéo dài, đe dọa làm cạn kiệt kho dự trữ đạn dược và vũ khí, phương Tây đang chịu áp lực phải thay đổi cán cân giữa những gì họ có thể cung cấp cho Ukraine và những gì Nga có thể tự chế tạo hoặc mua từ các nước khác như Iran hoặc Triều Tiên. Do vậy, việc ngăn chặn Nga lách các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu để tiếp cận nguồn cung cấp linh kiện và thiết bị cần thiết, trở thành ưu tiên hàng đầu của phương Tây.
Kể từ tháng 2/2022, Mỹ và 37 quốc gia khác đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trên diện rộng đối với Nga, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, việc thực thi những biện pháp này vẫn còn chậm trễ. Nga đã sử dụng nhiều chiêu thức để lách lệnh trừng phạt, chẳng hạn như định tuyến lại các mặt hàng nhập khẩu quan trọng qua các nước thứ ba hoặc các điểm trung chuyển, thay đổi dữ liệu hải quan hoặc sử dụng các công ty dân sự để chuyển hướng những mặt hàng này đến các công ty quân sự.
Do hoạt động sản xuất quân sự của Nga phụ thuộc nhiều vào linh kiện nước ngoài nên những công ty đăng ký kinh doanh ở các quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - đã trở thành đầu mối quan trọng để tái xuất khẩu công nghệ phương Tây.
Vào tháng 6/2022, Mạng lưới Thực thi chống tội phạm tài chính của Bộ Tài chính Mỹ (FinCEN) cùng với Cơ quan Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã công bố danh sách các mặt hàng có nguy cơ cao bị chuyển hướng sang Nga và đồng minh thân cận của nước này là Belarus. Thời gian gần đây, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Nhật Bản đã phối hợp với nhau, mở rộng danh sách này lên tới 45 mặt hàng nằm trong diện quan tâm đặc biệt, trong đó có mạch tích hợp, bộ nhớ, máy thu dẫn vô tuyến vốn là những thiết bị Nga sử dụng để chế tạo vũ khí dẫn đường chính xác như tên lửa hành trình Kalibr, Kh-101 và máy bay không người lái Orlan-10.
Để cải thiện khả năng thực thi lệnh trừng phạt và ngăn chặn nỗ lực của Nga tiếp tế cho quân đội chiến đấu tại Ukraine, các nước G7 đã tăng cường giám sát các công ty của họ. Cơ quan quản lý của các nước thành viên trong khối đã ban hành nhiều hướng dẫn và cảnh báo đỏ để giúp các các công ty nhận thức được nguy cơ vi phạm kiểm soát xuất khẩu.
Lĩnh vực tài chính một lần nữa lại đi đầu trong cuộc chiến kinh tế. Từ ngày 11/9, các tổ chức tài chính trở thành chìa khóa quan trọng để các cơ quan quản lý phương Tây theo dõi hành vi vi phạm lệnh trừng phạt. Với quyền truy cập vào hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu), được sử dụng để hỗ trợ thanh toán trên toàn thế giới, cơ quan điều tra Mỹ có thể theo dõi giao dịch chuyển tiền và thực thi chính sách trừng phạt của nước này ở bên ngoài lãnh thổ.
Trong một động thái chưa từng có, FinCEN và BIS đã đưa ra ba cảnh báo chung cho các tổ chức tài chính, yêu cầu họ báo cáo các giao dịch hoặc hành vi đáng ngờ và thông báo về những biện pháp lách trừng phạt của Nga.
Không chỉ G7, EU cũng tăng cường nỗ lực điều tra các vụ vi phạm lệnh trừng phạt và hành vi trốn thuế. Vào cuối tháng 10, một tòa án ở Hà Lan đã kết án một công dân mang hai quốc tịch Nga và Hà Lan với cáo buộc bán trái phép chip máy tính cho các công ty có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng của Nga bằng cách trung chuyển hàng hóa qua Maldives.
EU dự kiến sẽ tung ra gói trừng phạt thứ 12, nhằm khắc phục một điểm yếu trong các lệnh trừng phạt trước đó là việc tái xuất khẩu các mặt hàng quan trọng. Nếu biện pháp này được thông qua, các công ty EU cuối cùng có thể bổ sung thêm các điều khoản vào hợp đồng của họ nhằm cấm xuất khẩu linh kiện vũ khí sang nước thứ ba.
Câu hỏi về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt
Các biện pháp mà phương Tây thực hiện đã gây nhiều khó khăn cho Nga trong việc nhập khẩu trang thiết bị và linh kiện điện tử từ nước ngoài.
Nhưng Maria Shagina, nhà nghiên cứu về các biện pháp trừng phạt tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng, Nga có một chiến lược quân sự-dân sự toàn diện nhằm khai thác một cách có hệ thống những lỗ hổng kiểm soát xuất khẩu của phương Tây. Các viện nghiên cứu, tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom, những gã khổng lồ về năng lượng như Gazprom và nhiều tổ chức dân sự dường như đang tích cực tham gia vào việc chuyển giao các hạng mục ưu tiên cao cho các công ty quốc phòng Nga.
Chưa kể do sự phức tạp trong hệ thống thương mại toàn cầu nên các tập đoàn công nghệ lớn của phương Tây sẽ gặp nhiều khó khăn khi xác định sản phẩm của họ sẽ được đưa tới đâu. Đây là những lý do khiến Phương Tây rất khó cắt đứt nguồn cung cấp công nghệ của Mỹ sang Nga ngay cả khi họ tiếp tục áp đặt thêm một loạt lệnh trừng phạt mới.
Kết quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ được quyết định phần lớn không chỉ bởi số lượng mà còn bởi chất lượng và độ tinh vi về công nghệ của vũ khí mỗi bên. Nếu Nga có thể tiếp tục tiếp cận công nghệ phương Tây và duy trì việc sản xuất vũ khí trong một cuộc chiến tiêu hao, nước này sẽ dễ dàng vượt qua tình trạng bế tắc trên chiến trường, nhà phân tích Maria Shagina lưu ý.
(Theo VOV)