Phần Lan 7 năm liên tiếp là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/3/2024 | 3:29:29 PM

Phần Lan duy trì vị thế là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 7 liên tiếp trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới do Liên Hợp Quốc tài trợ công bố ngày 20.3. Các quốc gia Bắc Âu khác cũng trong nhóm 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, gồm Đan Mạch, Iceland và Thụy Điển xếp sau Phần Lan.

Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 7 liên tiếp theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024 công bố ngày 20/3.
Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 7 liên tiếp theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024 công bố ngày 20/3.

Afghanistan - nơi Taliban giành quyền kiểm soát từ năm 2020 - vẫn xếp cuối trong danh sách 143 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát.

Đáng lưu ý, theo AFP, đây là lần đầu tiên kể từ khi Báo cáo Hạnh phúc Thế giới được công bố cách đây hơn 1 thập kỷ, Mỹ và Đức không nằm trong số 20 quốc gia hạnh phúc nhất. Mỹ và Đức lần lượt xếp hạng 23 và 24 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024. Trong khi đó, các quốc gia Costa Rica, Kuwait lại lần đầu lọt top 20, với các vị trí tương ứng là 12 và 13.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới công bố ngày 20.3 cũng lưu ý, những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới cũng không bao gồm những quốc gia có dân số, diện tích lớn nhất thế giới.

"Trong top 10 quốc gia hạnh phúc, chỉ có Hà Lan và Australia có dân số hơn 15 triệu dân. Trong top 20, chỉ có Canada và Vương quốc Anh có dân số trên 30 triệu” - báo cáo nêu rõ.

Rớt hạng mạnh nhất trong chỉ số hạnh phúc thế giới kể từ 2006 - 2010 là Afghanistan, Lebanon, Jordan trong khi các quốc gia Đông Âu Serbia, Bulgaria, Latvia thăng hạng mạnh nhất.

Jennifer De Paola - nhà nghiên cứu hạnh phúc tại Đại học Helsinki ở Phần Lan - chia sẻ với AFP rằng, sự kết nối gần gũi của người Phần Lan với thiên nhiên, cân bằng lành mạnh giữa cuộc sống - công việc là những yếu tố chủ đạo tác động tới sự hài lòng trong cuộc sống của người dân nước này.

Thêm vào đó, người Phần Lan có nhận định khác về cuộc sống thành công khi so sánh với các quốc gia khác, ví dụ người Mỹ thường đánh đồng thành công với thành tựu về mặt tài chính. Phần Lan có phúc lợi xã hội mạnh mẽ, lòng tin vào giới cầm quyền, mức độ tham nhũng thấp và hệ thống y tế, giáo dục miễn phí cũng là những yếu tố quan trọng khác.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024 cũng nhận thấy thế hệ trẻ ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát đều hạnh phúc hơn các thế hệ lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ, Australia và New Zealand, chỉ số hạnh phúc của nhóm dưới 30 tuổi giảm mạnh kể từ 2006 - 2010, với thế hệ lớn tuổi hơn đang hạnh phúc hơn thế hệ trẻ. Ngược lại, ở Trung và Đông Âu, mức độ hạnh phúc tăng lên đáng kể ở mọi lứa tuổi trong cùng giai đoạn này, trong khi ở Tây Âu người dân ở mọi lứa tuổi đều có mức độ hạnh phúc tương tự nhau.

Bất bình đẳng về hạnh phúc tăng ở mọi khu vực ngoại trừ châu Âu. Theo các tác giả báo cáo, đây là xu hướng đáng lo ngại. Bất bình đẳng về hạnh phúc tăng đặc biệt rõ rệt ở người cao tuổi và ở châu Phi cận Sahara, phản ánh bất bình đẳng về thu nhập, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sự chấp nhận của xã hội… ở cấp độ gia đình, cộng đồng và quốc gia.

Tại châu Á, Singapore hạnh phúc nhất năm thứ 2 liên tiếp, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024. Singapore xếp hạng 30/143 địa điểm được khảo sát trên toàn thế giới. Tiếp sau Singapore là Đài Loan (Trung Quốc) - vị trí 31, Nhật Bản (51), Hàn Quốc (52), Philippines (53), Việt Nam (54), Thái Lan (58), Malaysia (59), Trung Quốc (60), Mông Cổ (77).

Shun Wang - đồng tác giả và biên tập viên của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 - chia sẻ: "Singapore làm rất tốt về GDP bình quân đầu người, một trong những thứ hạng cao nhất trong tập dữ liệu của chúng tôi".

Theo báo cáo, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh nằm trong số những quốc gia kém hạnh phúc nhất châu Á. Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới - xếp ở vị trí 126/143.

(Theo LĐO)

Các tin khác
Ảnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trên màn hình trong cuộc vận động tranh cử cho ông Trump ở Green Bay, Wisconsin hôm 2/4.

Trong số hơn 70 cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm "siêu bầu cử" 2024, cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ được dự đoán là sự kiện lớn nhất, thu hút sự quan tâm chú ý nhất của thế giới, không chỉ vì đây là cuộc bầu cử có thể làm thay đổi lãnh đạo tại một siêu cường đứng đầu thế giới, mà còn bởi kết quả của nó sẽ có thể ảnh hưởng tới cục diện chính trị, kinh tế toàn cầu.

Quân đội Nigeria ăn mừng sau khi đánh bại Boko Haram tại một khu vực ở Đông Bắc Nigeria năm 2015.

Các chỉ huy Lực lượng dân quân Nigeria (CJTF) hôm qua (28/4) xác nhận, ít nhất 23 thành viên của lực lượng này đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố hôm 27/4 tại miền Bắc nước này.

Người dân nhận hàng viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza ngày 23/4/2024.

Israel cho biết đã mở cửa các hành lang vận chuyển mới từ cảng biển và biên giới trên đất liền để tăng cường đưa hàng hóa viện trợ gồm thực phẩm, nước uống, vật tư y tế, thiết bị trú ẩn vào Gaza.

Dải Gaza bị tàn phá nặng nề do xung đột giữa Israel và Hamas

Trong một động thái khá bất ngờ, truyền thông Israel đêm qua dẫn lời một quan chức nước này tuyên bố rằng Tel Aviv sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 7 tháng qua ở dải Gaza với lực lượng Hamas. Trước đó, một số nguồn tin khu vực nhận định các cuộc thương lượng tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas, đã đạt thêm những tiến bộ đáng kể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục