Trong 2 ngày 12 và 13/9, Nội các của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra công bố các chính sách trước Quốc hội Thái Lan và trả lời chất vấn của các nghị sĩ. Các hoạt động này nằm trong quy định của điều 162 Hiến pháp Thái Lan, theo đó trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận nhiệm vụ, Nội các phải công bố các chính sách của Chính phủ dự kiến thực hiện trong nhiệm kỳ.
Trong bài phát biểu chính sách khoảng một giờ đồng hồ của mình ngày 12/9, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã chỉ ra những thách thức mà Thái Lan đang phải đối mặt. Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nhấn mạnh: "Nếu không có các biện pháp tài chính, tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước sẽ không vượt quá 3%/năm”.
Sau tuyên bố chính sách của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, các nghị sĩ cùng thành viên Nội các tiến hành tranh luận. Các cuộc tranh luận kéo dài trong 29 giờ đồng hồ trong ngày 12 và 13/9.
Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đồng thời nêu rõ các chính sách trung và dài hạn mà Chính phủ liên minh do đảng Pheu Thai dẫn đầu dự định triển khai trong ba năm tới trước khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo diễn ra. Bà Paetongtarn Shinawatra bày tỏ tin tưởng Chính phủ sẽ mang lại hy vọng, cơ hội cũng như bình đẳng xã hội và kinh tế cho người dân Thái Lan.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết 10 chính sách cần triển khai ngay để tăng cường động lực cho nền kinh tế Thái Lan gồm tái cấu trúc nợ và nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân Thái Lan; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Thái Lan khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh; giảm chi phí năng lượng và thúc đẩy hệ thống tiện ích công cộng; thu thuế từ các doanh nghiệp phi chính thức và nền kinh tế "ngầm”; kích thích nền kinh tế, giảm gánh nặng chi phí thông qua các chương trình như ví kỹ thuật số; hiện đại hóa nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân; thúc đẩy du lịch; xóa bỏ vấn nạn ma túy bất hợp pháp; trấn áp tội phạm để bảo vệ quyền lợi của người dân; phát huy tiềm năng con người để bảo đảm cơ hội bình đẳng cho tất cả người dân.
Theo Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, Chính phủ cũng sẽ áp dụng các chính sách trung và dài hạn nhằm tăng khả năng cạnh tranh của Thái Lan trên thị trường toàn cầu, tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai.
Các chính sách này gồm việc thúc đẩy trí tuệ địa phương và văn hóa sáng tạo, tăng cường "quyền lực mềm” của đất nước, thúc đẩy các ngành công nghiệp tương lai, phát triển thị trường xanh, kỹ thuật số, chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi ngành công nghiệp ô tô từ động cơ đốt trong sang các hình thức thân thiện môi trường, triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn và thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, trong tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chính phủ cũng sẽ ưu tiên bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.
Chính phủ Thái Lan khẳng định các chính sách trên là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế, trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Thái Lan kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm nay, tăng so với mức 1,9% ghi nhận vào năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn so với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực. Một cuộc khảo sát do Trường đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC) thực hiện cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng trong nước đã giảm trong tháng thứ 6 liên tiếp và xuống mức thấp nhất trong 13 tháng vào tháng 8 vừa qua.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cũng đề cập đến các chính sách chính trị nội bộ. Bà Paetongtarn Shinawatra cho biết, Chính phủ sẽ đẩy nhanh việc soạn thảo Hiến pháp mới theo hướng dân chủ hơn, bảo vệ pháp quyền, bảo đảm minh bạch.
Về cơ bản, những chính sách chủ đạo mà Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra vừa công bố gần giống các chính sách dưới thời người tiền nhiệm, Thủ tướng Srettha Thavisin, tuy có một số chỉnh sửa nhằm phù hợp hơn tình hình thực tế.
(Theo NDO)