Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 8/12 cho biết khoảng 43.000 binh lính Ukraine đã thiệt mạng và 370.000 người bị thương kể từ đầu cuộc chiến bắt đầu gần ba năm trước. Đây là lần đầu tiên, nhà lãnh đạo Ukraine tiết lộ số liệu thương vong của quân đội, một chủ đề cực kỳ nhạy cảm ở Ukraine, đặc biệt là khi lực lượng Kiev đang ngày mất nhiều đất hơn vào tay quân đội Nga.
Tuy nhiên, số liệu mà ông Zelensky công bố không thể xác minh độc lập và khác hẳn so với ước tính của các quan chức và nhà phân tích quân sự Mỹ, những người đưa ra số binh sĩ tử trận cao hơn nhiều. Vào tháng 8/2023, các quan chức Mỹ ước tính gần 70.000 binh lính Ukraine đã thiệt mạng.
Vào giữa tháng 3/2024, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định Ukraine đã mất tổng cộng hơn 71.000 binh sĩ (gồm chết và bị thương) và 11.000 đơn vị vũ khí.
Ông Zelensky cũng lưu ý rằng khoảng một nửa số binh lính bị thương đã trở lại chiến trường sau khi được điều trị. Điều này cho thấy Ukraine đã phải hứng chịu tổng cộng khoảng 230.000 tổn thất không thể thay thế, bao gồm những người thiệt mạng và những người mất khả năng lao động vĩnh viễn do thương tích.
Hiện vẫn chưa rõ tại sao ông Zelensky lại chọn công bố số liệu thương vong vào thời điểm này, nhưng tuyên bố của ông được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết Ukraine đã mất 400.000 binh lính, mà không nêu rõ số người chết hoặc bị thương. Ông Trump, người cũng cho biết số thương vong của Nga lên tới gần 600.000 binh lính, nhấn mạnh đến nhu cầu ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu tiến trình đàm phán hòa bình.
"Tôi hiểu rõ Vladimir", ông Trump viết trên mạng xã hội hôm 8/12, ám chỉ đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. "Đây là lúc ông ấy phải hành động. Trung Quốc có thể giúp. Thế giới đang chờ đợi!" – ông Trump dường như đang thúc giục ông Putin bắt đầu đàm phán và kêu gọi Trung Quốc, quốc gia đã liên kết với Nga trong nhiều vấn đề, tham gia vào tiến trình này.
Kết thúc chiến tranh là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Zelensky tại Paris vào tối 7/12, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng trước. Lời hứa chấm dứt chiến tranh nhanh chóng của ông Trump đã làm dấy lên lo ngại đối với Kiev về khả năng Nga có thể kiểm soát 20% lãnh thổ của Ukraine và đủ mạnh để bắt đầu một cuộc tấn công toàn diện khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh NBC phát sóng vào ngày 8/12, ông Trump cho biết ông "có thể" sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine khi chính thức quay trở lại Nhà Trắng vào tháng tới.
Trong những tuần gần đây, các quan chức Ukraine đã tìm cách xây dựng mối quan hệ với ông Trump và chính quyền tương lai của ông trong nỗ lực định hình kế hoạch giải quyết xung đột theo cách phù hợp nhất với lợi ích của Kiev.
Lo ngại chính quyền Trump 2.0 có thể cắt viện trợ cho Ukraine để buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán, chính quyền Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm, đang cố gắng đẩy nhanh khoản viện trợ quân sự còn lại dành cho Ukraine. Vào cuối ngày 7/12, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một gói hỗ trợ 1 tỷ USD cho Ukraine, để mua đạn dược cho các hệ thống tên lửa, máy bay không người lái và phụ tùng thay thế để bảo dưỡng thiết bị pháo binh.
Mặc dầu vậy, nhiều quan chức và nhà phân tích quân sự Mỹ đã nhiều lần nói trong những tuần gần đây rằng vũ khí và đạn dược bổ sung không phải là thứ mà Ukraine cần nhất hiện nay. Thay vào đó, họ cho rằng, Ukraine cần phải làm tốt hơn công việc thay thế những tổn thất trên chiến trường, bao gồm cả việc đẩy nhanh và mở rộng chế độ nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, các quan chức cấp cao của Mỹ đã thúc giục Kiev mở rộng chế độ nghĩa vụ quân sự cho những người đàn ông trẻ tuổi từ 18 đến 25 tuổi, những người hiện được miễn trừ.
"Ngay cả khi có tiền, ngay cả khi có đạn dược, vẫn phải có người ở tuyến đầu để đối phó với sức mạnh quân sự của Nga" - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Brussels tuần trước.
Theo cuộc điều tra chung của BBC Russia và Mediazona, một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, được công bố vào ngày 11/12, các nhà báo và tình nguyện viên đã xác định được tên của 82.050 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột với Ukraine, tính đến ngày 6/12.
Mặc dầu vậy, chính quyền Kiev được đánh giá là đối mặt với nhiều khó khăn hơn Nga trong việc bổ sung quân số. Theo tờ New York Times, Nga đã cố gắng tránh một đợt nghĩa vụ quân sự toàn quốc có thể khiến người dân nổi giận, bằng cách tuyển dụng rất nhiều từ các nhà tù và tình nguyện viên. Các quan chức Ukraine và phương Tây cũng ước tính rằng Triều Tiên đã triển khai khoảng 10.000 binh lính đến giúp Nga trong năm nay, sau khi nhà lãnh đạo của hai nước phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn.
Vào cuối tuần qua, ông Trump đã lên tiếng kêu gọi hòa đàm chỉ vài giờ sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông và Tổng thống Zelensky tại Paris, kể từ khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng trước. Tổng thống Mỹ đắc cử đã kêu gọi đàm phán ngừng bắn ngay lập tức để chấm dứt "sự điên rồ" của cuộc xung đột kéo dài.
Phản hồi trước lời kêu gọi này, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố hòa bình không thể chỉ dựa trên giấy tờ, mà cần có các bảo đảm thực sự.
"Hòa bình không chỉ là một tờ giấy và vài chữ ký. Lệnh ngừng bắn mà không có đảm bảo có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào, như những gì ông Putin đã từng làm", ông Zelensky viết trên mạng xã hội X. |
(Theo VTV)