Leo thang quân sự trên bán đảo Triều Tiên
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/11/2010 | 8:32:55 AM
Bán đảo Triều Tiên vẫn cực kỳ căng thẳng hai ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc làm bốn người thiệt mạng và 18 người bị thương.
Theo Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đã chủ trì một cuộc họp bất thường vào sáng 25-11, trong đó ông quyết định “tăng thêm các lực lượng bộ binh đến năm hòn đảo trên Hoàng Hải”, rót thêm ngân sách cho quân đội để đối phó với các nguy cơ đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Thế nhưng Seoul cũng mong muốn có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc để nước này dùng ảnh hưởng của mình tác động đến Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên tiếp tục lên án thái độ thù nghịch của Hàn Quốc và tuyên bố, như mô tả của Hãng thông tấn trung ương KCNA của CHDCND Triều Tiên, sẵn sàng “loạt tấn công thứ hai, thậm chí là thứ ba mà không chút do dự nếu những kẻ hiếu chiến ở Hàn Quốc lại có những hành động khiêu khích quân sự liều lĩnh mới”.
Tại Seoul, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua một nghị quyết lên án vụ nã pháo của CHDCND Triều Tiên là đã vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như các thỏa thuận giữa hai miền, yêu cầu CHDCND Triều Tiên ngưng ngay những hành động gây hấn quân sự, xin lỗi Hàn Quốc về vụ pháo kích và cam kết không tái diễn những cuộc tấn công tương tự. Nghị quyết cũng yêu cầu chính phủ phải có phản ứng nhanh và có biện pháp cứng rắn để đối phó với bất kỳ hành động khiêu khích tiếp theo nào của Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae Young đã từ chức sau khi bị chỉ trích gay gắt về việc quân đội Hàn Quốc phản ứng quá yếu trước cuộc pháo kích của CHDCND Triều Tiên.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng đã lan sang thủ đô các nước. Tại Washington, Mỹ đã cho triển khai hạm đội hải quân của mình ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên cùng với tàu sân bay hạt nhân George Washington để chuẩn bị cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vào ngày 28-11. Mỹ tuyên bố cuộc tập trận này đã được dự tính trước khi nổ ra cuộc bắn pháo của Bình Nhưỡng, nhưng như AFP nhận định, một cuộc phô diễn lực lượng hùng hậu như thế không khỏi khiến Bình Nhưỡng giận dữ và Bắc Kinh phật lòng.
Còn trong lúc này, ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc lại “đang quan ngại” về cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn sắp tới, như tuyên bố của một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối hành động gây hấn quân sự dưới mọi hình thức trên bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế hết mức.
Tân Hoa xã cho biết Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đang thăm Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế bắt tay giảm nhiệt tình hình trên bán đảo này sau sự kiện ngày 23-11. Thế nhưng, AFP nhận xét Trung Quốc từ chối lên án cuộc bắn pháo của CHDCND Triều Tiên, mà chỉ “bày tỏ đau buồn và lấy làm tiếc trước những mất mát về nhân mạng”. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã hoãn chuyến thăm Hàn Quốc như dự định vào ngày 26-11 mà không đưa ra lời giải thích nào.
Từ Tokyo, trong cuộc điện đàm ngày 25-11 với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đã đồng ý cùng hợp tác với Hàn Quốc về các phương án đối phó với Bình Nhưỡng sau sự kiện 23-11, đồng thời sẽ tìm kiếm hành động từ phía Trung Quốc để làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên do Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn đối với Bình Nhưỡng.
Nhật Bản cũng đang tính đến các phương án bảo vệ công dân Nhật nếu tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng, trong đó có cả việc thuê máy bay dân dụng di tản công dân Nhật ra khỏi Hàn Quốc.
Trước đó, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, đại sứ Hàn Quốc Park In Kook đã trao đổi quan điểm với đại sứ của các nước thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc về vụ pháo kích của CHDCND Triều Tiên. Nhưng, như Reuters cho biết, Hàn Quốc vẫn chưa xác định sẽ đưa ra yêu cầu hành động gì từ phía HĐBA về vụ việc này.
Phái đoàn Pháp tại Liên Hiệp Quốc cho biết nước này ủng hộ mạnh mẽ HĐBA triệu tập phiên họp khẩn cấp về vấn đề này. Nhưng AFP cho biết các nước thành viên HĐBA chưa sốt sắng cho một cuộc họp sớm. Sự thận trọng này phản ánh hiện HĐBA cũng chưa có một hành động thích hợp cho vụ bắn pháo mới này. Một nhà ngoại giao giấu tên nói: “Nước nào cũng muốn chờ xem.
Đúng là Trung Quốc có trì hoãn, nhưng nói đúng ra là nước nào cũng muốn chờ xem”. Dù vậy, các nước thành viên HĐBA đã bắt đầu các cuộc tham khảo về vụ bắn pháo vào ngày 25-11 như đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Mark Lyall Grant cho biết. Các nhà ngoại giao tại New York khi được hỏi đều nói rằng họ lo ngại một sự lên án của HĐBA sẽ không khỏi “đổ thêm dầu vào lửa”.
“Trung Quốc trì hoãn là điều dễ hiểu. Trung Quốc chia sẻ 2.000km đường biên giới với CHDCND Triều Tiên và họ lo ngại đất nước này phản ứng một cách thái quá - một trong số nhà ngoại giao này nhận xét - Thậm chí Hàn Quốc cũng do dự. Họ muốn HĐBA làm gì đó nhưng đừng làm tình hình thêm nghiêm trọng. Có một sự thận trọng lớn ở mọi phía, ngay cả Mỹ”.
Tình hình này khiến người ta nhớ vụ tàu Cheonan bị bắn chìm vào tháng 3, Hàn Quốc đã lập tức lên án CHDCND Triều Tiên là thủ phạm, nhưng phải mất bốn tháng sau HĐBA mới có thể nhóm họp về chủ đề này.
(Theo TTO)
Các tin khác
Sau khi Hàn Quốc quyết định tăng cường đáng kể lực lượng pháo binh ở vùng biển Hoàng Hải, CHDCND Triều Tiên đã cảnh báo sẽ tiến hành thêm "các cuộc tấn công quân sự" nếu Hàn Quốc “những hành động khiêu khích quân sự khinh suất”.
Kenya vừa phát hiện đường dây tuyển mộ lực lượng cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại nước này, bắt giữ 7 đối tượng tình nghi.
Các nhà nghiên cứu hóa thạch quốc tế vừa phát hiện một hổ phách có trọng lượng lên tới 150 kg tại tỉnh Gujarat, miền tây Ấn Độ. Đây được cho là tấm hổ phách lớn nhất trong lịch sử với hàng trăm sinh vật tiền sử trong đó và có niên đại khoảng 52 triệu năm.
Ủy ban đặc biệt về vụ thảm họa tại Campuchia đã công bố số người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp kinh hoàng đêm 22-11 là 456 người.