Thế giới không bình yên
- Cập nhật: Chủ nhật, 6/2/2011 | 8:25:36 PM
Những ngày qua, các cuộc biểu tình tiếp tục tạo áp lực buộc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức. Theo BBC, đỉnh điểm của cuộc biểu tình là ngày 4-2 với hơn 100.000 người tại quảng trường Tahrir đòi Tổng thống Mubarak và toàn bộ nội các của ông từ chức.
Hàng ngàn người biểu tình phản đối Thủ tướng Italia S. Berlusconi.
|
Đáng chú ý, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong bài phát biểu tại Berlin, Đức, ngày 4-2 cho rằng đã đến lúc Ai Cập bắt đầu tiến trình chuyển đổi trong trật tự và hòa bình, hướng tới các cuộc bầu cử tự do và công bằng hơn. Ông Ban Ki-moon cho biết LHQ sẵn sàng giúp đỡ Ai Cập trong tiến trình này đồng thời lên án mọi hành vi bạo lực.
Lãnh đạo đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, cùng các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Pháp cũng kêu gọi Tổng thống Ai Cập Mubarak lên kế hoạch chuyển giao quyền lực càng sớm càng tốt. Đúng như dự báo, làn sóng biểu tình khởi phát từ Tunisia lan sang Ai Cập đã tiếp tục lan sang Yemen. Ngày 3-2, khoảng 20.000 người Yemen đã tập trung tại trường đại học Sanaa tham gia biểu tình trong “Ngày thịnh nộ”, phản đối chính quyền của Tổng thống Ali Abdullah Saleh.
Giá lương thực trên thị trường thế giới đã lên tới mức đỉnh điểm, vượt kỷ lục năm 2008. Tổ chức Lương - Nông LHQ (FAO) lo ngại tình trạng giá lương thực tăng sẽ tạo nguy cơ bạo loạn tái diễn ra tại các nước nghèo. Giá lương thực - thực phẩm đắt đỏ được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới làn sóng phản đối tại một số nước Bắc Phi, điển hình là ở Tunisia và Ai Cập.
Theo FAO, giá lương thực trong tháng 1-2011 đã tăng 3,4% so với tháng 12 năm trước. Giá dầu thế giới ngày 31-1 đã leo thang vượt ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2008 do các nhà giao dịch lo ngại những biến động tại Ai Cập có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu.
Thiên tai, tai nạn trong những ngày đầu năm tiếp tục gây khó khăn cho người dân nhiều nước. Ngày 2-2, một trận động đất mạnh 4,8 độ richter đã xảy ra tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, làm gần 700 ngôi nhà bị hư hại và hàng chục ngàn người phải sơ tán.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, nhiều chuyến bay tới hai sân bay quốc tế ở thủ đô Tokyo là Narita và Haneda đã bị hoãn hoặc hủy bỏ do núi lửa Shinmoedake, cao hơn 1.400m, ở Fukuoka, miền Nam nước này hoạt động trở lại.
Tại Australia, trận lụt lịch sử chưa hết thì miền Trung và Đông Bắc nước này lại hứng thêm cơn bão Yasi gây mưa lớn, ngập lụt và lũ quét. Đến nay thiên tai tại Australia đã làm trên 35 người chết và thiệt hại gần 10 tỷ USD.
Tại Mexico, trong những ngày qua, các bang miền Bắc nước này, giáp với Mỹ, đang phải hứng chịu đợt giá rét chưa từng có trong 50 năm qua, khi nhiệt độ giảm xuống còn âm 15 độ C, làm 5 người thiệt mạng, nhiều thành phố rơi vào cảnh mất điện, nước, hàng trăm chuyến bay nội địa và quốc tế bị hủy.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 31-1 đã cảnh báo nguy cơ tình trạng vỡ nợ ở Hy Lạp và Ireland tái diễn ở Mỹ và Nhật Bản. Cảnh báo của IMF dựa trên thực tế cả Mỹ và Nhật Bản đều không kiềm chế được sự bùng nổ nợ công. Gánh nặng nợ công của Nhật Bản đã lên tới 200% GDP của nước này, khiến nền kinh tế Nhật Bản luôn trong tình trạng tê liệt.
Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ vừa cho biết thâm hụt ngân sách liên bang đã lên tới 1.500 tỷ USD, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ. Nhiều bang của Mỹ đang bên bờ vực phá sản với thâm hụt ngân sách 175 tỷ USD và nợ 2.500 tỷ USD quỹ lương hưu chưa thanh toán.
Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 1-2, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã nhất trí tiến hành cuộc đàm phán quân sự cấp chuyên viên vào ngày 8-2 nhằm chuẩn bị cuộc đàm phán quân sự cấp cao giữa hai miền. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đây là lần tiếp xúc đầu tiên giữa hai miền kể từ khi CHDCND Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc vào cuối tháng 11-2010. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak còn đề nghị tiến hành cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Ngày 3/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã công bố chương trình phản ứng toàn cầu chống cướp biển.
Có mặt tại Ai Cập trong những ngày này, chúng tôi mới thấy hết được mức độ căng thẳng và khốc liệt của cuộc đối đầu giữa chính quyền của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak va phong trào biểu tình.
Nỗi lo sợ về một phản ứng lan truyền của cuộc "Cách mạng hoa nhài" dẫn đến sự tháo chạy của cựu Tổng thống Tunisia Ben Ali đã diễn ra như dự đoán.
Hai báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về triển vọng kinh tế và ổn định tài chính toàn cầu công bố ngày 26/1 đều nhấn mạnh khủng hoảng nợ nghiêm trọng ở châu Âu đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.