Ấn Độ - nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất 5 năm qua
- Cập nhật: Thứ hai, 14/3/2011 | 1:34:01 PM
Một báo cáo được Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) xuất bản ngày 14-3 cho thấy Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất trong giai đoạn từ 2006-2010, theo AFP.
Máy bay SU-30MKI của không quân Ấn Độ.
|
“Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 9% tổng số vũ khí giao dịch trên toàn cầu và 82% vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Nga” - AFP trích dẫn báo cáo. Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ đã tăng 21% so với giai đoạn 2001-2005, trong đó máy bay chiến đấu chiếm đến 71%.
Báo cáo cho biết Trung Quốc và Hàn Quốc chia sẻ vị trí thứ hai khi cùng chiếm 6% tổng số vũ khí giao dịch trên toàn thế giới, còn Pakistan ở vị trí thứ 3 - nhập khẩu vũ khí của nước này đã tăng 128% so với giai đoạn 2001-2005, chiếm 5% tổng số vũ khí giao dịch trên toàn cầu.
Siemon Wezeman, một chuyên gia của SIPRI, nói nguyên nhân việc nhập khẩu ồ ạt vũ khí của Ấn Độ là do “sự cạnh tranh với Pakistan và Trung Quốc” và các thách thức an ninh nội địa. Một nguyên nhân khác là do Ấn Độ cần có một lực lượng quân đội hiện đại đủ sức tham gia các hoạt động toàn cầu như cứu hộ và gìn giữ hòa bình, nhằm gia tăng vị thế của nước này trong cộng đồng quốc tế.
Song song với việc nhập khẩu vũ khí, Ấn Độ đang cố gắng hiện đại hóa ngành công nghiệp vũ khí qua các yêu cầu chuyển giao công nghệ, cũng theo ông Wezeman.
Ước tính ngân sách quốc phòng của Ấn Độ cho năm 2011 là 32,5 tỉ USD - tăng 40% so với năm 2010.
Về phía xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới khi chiếm đến 30% tổng số vũ khí được xuất khẩu từ năm 2006-2010, với 44% đơn đặt hàng đến từ các quốc gia châu Á và châu Đại Dương. Xếp sau Mỹ lần lượt là Nga và Đức.
Báo cáo của SIPRI ghi nhận đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà xuất khẩu vũ khí tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi - nơi đang được xem là “thị trường béo bở” do tình hình bất ổn leo thang.
Cũng theo báo cáo, trong những năm qua đã có một cuộc chạy đua giữa các nước xuất khẩu vũ khí lớn như Nga, Pháp, Anh và Ý để cung cấp vũ khí cho Libya, kể từ khi Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với nước này vào năm 2003. Hiện Liên Hiệp Quốc đã tái áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya do những diễn biến vừa qua tại nước này.
(Theo TTO)
Các tin khác
Trong lúc Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả nặng nề của trận động đất và sóng thần, thì một núi lửa ở phía nam hoạt động trở lại.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 13/3 cho biết sau vụ nổ tại một nhà máy điện hạt nhân do động đất, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại nhà máy điện hạt nhân thứ hai do lượng phóng xạ ở đây vượt quá mức bình thường.
Giới chức Nhật không thể liên lạc được với gần 10.000 dân thành phố Minamisanriku, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong động đất và sóng thần.
Các quan chức Nhật Bản hôm nay 12.3 vừa cảnh báo khả năng rò rỉ phóng xạ từ hai nhà máy điện hạt nhân sau trận động đất mạnh 8,9 độ richter xảy ra hôm 11/3.