NATO trực tiếp nhảy vào lật đổ Gaddafi?
- Cập nhật: Thứ năm, 21/4/2011 | 7:51:38 AM
Châu Âu đang tiến gần tới việc thực hiện một điều mà họ từng nói là sẽ không làm ở Libya – đó là, trực tiếp nhảy vào tham gia lật đổ Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.
|
Ngày 20/4 Pháp thông báo, nước này đã cử các sĩ quan quân sự đến hợp tác với quân nổi dậy Libya trên mặt đất. Song song với động thái này, Pháp còn tuyên bố sẽ tăng cường các cuộc không kích nhằm vào quân của ông Gaddafi. Italy và Anh cho biết, họ cũng đã cử các sĩ quan quân sự đến Libya.
Tổng thống Nicolas Sarkozy cho biết, Pháp sẽ đẩy mạnh chiến dịch không kích ở NATO nhằm hạ gục bộ máy quân sự của ông Gaddafi để bảo vệ dân thường. "Chúng tôi sẽ giúp các bạn," ông Sarkozy đã cam kết như vậy với Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp Quốc gia Libya Abdel-Jalil. Chính ông Jalil cho biết, ông đã đề nghị Pháp “tăng cường ủng hộ cách mạng Libya."
Không dừng lại ở cam kết tăng cường các cuộc không kích, Pháp còn đồng ý đưa các sĩ quan quân sự vào Libya. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Christine Fages cho biết trong một cuộc họp báo ngày hôm qua rằng, Pháp đã đồng ý cử “một số nhỏ các sĩ quan liên lạc đến hợp tác với phái đoàn đặc biệt của chúng tôi ở Benghazi" - thành trì của phe nổi dậy Libya.
Italia cũng thông báo kế hoạch cử 10 sĩ quan hướng dẫn quân sự đến Libya mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Italia Ignazio La Russa, giống như Pháp, đã bác bỏ khả năng đưa bộ binh vào đánh Libya. Trước đó, Anh cho biết, họ đã cử 20 cố vấn quân sự đến giúp phe nổi dậy Libya.
Các quan chức Châu Âu miêu tả sự giúp đỡ trên của họ là một nỗ lực nhằm san bằng khoảng cách về sức mạnh quân sự giữa quân của Tổng thống Gaddafi với lực lượng nổi dậy, từ đó giúp thay đổi chiều hướng trên chiến trường Libya. Các quan chức Châu Âu cho rằng, hành động của họ không vi phạm lệnh cấm triển khai bộ binh trên lãnh thổ Libya được quy định trong Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Italia La Russa cho rằng, thậm chí kể cả khi NATO phá hủy rất nhiều cơ sở quốc phòng của ông Gaddafi, thì “những thứ còn lại vẫn còn mạnh hơn năng lực của quân nổi dậy Libya."
"Họ vẫn chẳng có mấy khả năng quân sự," ông La Russa nói như vậy về lực lượng nổi dậy Libya. Ủng hộ ý kiến của ông La Russa, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox nói thêm, nhiều chiến binh nổi dậy Libya “chẳng biết gì về vũ khí hay chiến thuật quân sự."
"Vì thế, cách tốt nhất là chúng tôi giúp họ để họ có thể có được một số khả năng quân sự nhất định," Bộ trưởng Fox nói.
Ông Ali al-Issaoui- người được quân nổi dậy chọn là quyền Ngoại trưởng của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia, cho biết, họ muốn nhiều hơn, như vũ khí cho một “quân đội chính thức” và các lực lượng từ những quốc gia bạn bè nhằm lật đổ Tổng thống Libya.
"Chúng tôi chưa đưa ra yêu cầu chính thức những tất cả khả năng đều đang được để ngỏ," ông al-Issaoui đã nói như vậy tại một cuộc họp báo.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp Quốc gia – ông Mustafa Abdel-Jalil cho biết, quân nổi dậy đã nhận được vũ khí “nhưng chưa đủ”.
Anh, Mỹ bàn cách tăng sức ép ngoại giao với Gaddafi
Lãnh đạo hai nước Anh và Mỹ hôm qua đã có cuộc điện đàm trao đổi về cách thức tăng cường sức ép ngoại giao và kinh tế đối với Tổng thống Gaddafi. Thông tin này đã được Nhà Trắng xác nhận.
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Anh Cameron đã nhất trí với nhau rằng cần phải thực hiện đầy đủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc yêu cầu chính phủ Libya chấm dứt ngay các cuộc bạo lực chống dân thường.
"Ngoài việc tăng cường sức ép về mặt quân sự và bảo vệ dân thường qua chiến dịch quân sự do NATO chỉ huy, hai nhà lãnh đạo Anh, Mỹ đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tăng sức ép về mặt ngoại giao và kinh tế đối với chính quyền của ông Gaddafi để chính quyền này phải ngừng các cuộc tấn công vào dân thường và tuân thủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc," một tuyên bố của Nhà Trắng đã cho biết như vậy.
Trước đó, Nhà Trắng cũng cho biết, Tổng thống Obama phản đối đưa bộ binh vào Libya nhưng bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Pháp và Anh trong việc cử các cố vấn quân sự đến giúp quân nổi dậy Libya chống lại ông Gaddafi.
Ở thủ đô Washington, chính quyền của Tổng thống Obama hôm qua thông báo, Mỹ có kế hoạch cung cấp gói viện trợ trị giá 25 triệu USD cho quân nổi dậy Libya. Đây là gói viện trợ đầu tiên của Mỹ giành cho quân nổi dậy Libya sau nhiều tuần đánh giá năng lực cũng như mục đích của lực lượng này. Tuy nhiên, Washington bảo đảm, gói viện trợ của họ cho quân nổi dậy Libya sẽ không thể chuyển thành các tài sản quân sự.
Gói viện trợ đó sẽ giúp Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia Libya và “nỗ lực của chúng tôi trong việc bảo vệ dân thường, bảo vệ những khu vực đông dân đang bị quân chính phủ Libya tấn công," Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton cho biết.
Gói viện trợ của Mỹ cho Libya bao gồm thuốc men, quân phục, giày ủng, lều trại, lương thực và đài...
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Ngày 19/4, phiên họp của Ủy ban Liên hiệp thuộc Ủy hội Mekong (MRC) để thảo luận về dự án xây dựng đập thủy điện Sayabouri, dự án đầu tiên của Lào trên dòng chính của hạ lưu sông Mekong, đã diễn ra tại thủ đô Vientiane.
Ngày 19/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo sau nhiều ngày thảo luận và thương lượng, các nước thành viên WHO đã đạt được thỏa thuận khung lịch sử về tăng cường phối hợp phòng chống các đại dịch cúm.
Một quan chức thuộc phe nổi dậy Libya đang ở trong thành phố bị bao vây Misrata ngày19/4 đã tuyệt vọng cầu cứu Anh và Pháp cử bộ binh đến đất nước Bắc Phi nhằm giúp họ chống lại quân của Tổng thống Muammar Gaddafi.
Ít nhất 18 người thiệt mạng và 5 người bỏng nặng sau khi một máy bay trực thăng phát nổ và đâm xuống đất hôm 19/4 ở vùng đông bắc Ấn Độ.