Yemen bên bờ nội chiến
- Cập nhật: Chủ nhật, 29/5/2011 | 5:44:12 AM
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 27-5 tỏ ý đặc biệt lo ngại trước xung đột bùng phát ở thủ đô Sana của Yemen giữa quân chính phủ và dân quân bộ lạc có vũ trang. Theo ông Ban Ki-moon, bạo lực leo thang đang đẩy Yemen đến bờ vực nội chiến.
Đám tang những người thiệt mạng tại thủ đô Sana ngày 27-5.
|
Phe đối lập và Al Qaeda chiếm nhiều cứ điểm quan trọng
Chỉ chưa đầy 1 tuần, tình hình an ninh tại Sana đã xấu đi nghiêm trọng. Các cuộc giao tranh quyết liệt liên tiếp xảy ra sau khi Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh lần thứ 3 từ chối ký kế hoạch giải quyết khủng hoảng chính trị do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất. Số người biểu tình bị chết kể từ ngày 23-5 đã lên hơn 130 người. 18 thành viên bộ lạc Hashid lớn nhất Yemen đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh mới nhất với lực lượng trung thành với Tổng thống Saleh.
Trước đó, ngày 27-5, thủ lĩnh phe đối lập và cũng là người đứng đầu bộ lạc Hashid, ông Al-Ahmar, thông báo các tay súng bộ lạc đối lập và lực lượng chính phủ Yemen đã thực hiện ngừng bắn tại thủ đô Sana. Tuy nhiên, cũng chính nhân vật này cảnh báo nguy cơ nội chiến vẫn thường trực.
Theo tờ New York Times, ngày 27-5, lần đầu tiên quân chính phủ không kích trạm kiểm soát Al Fardha, nối thủ đô Sana và tỉnh Mareb. Tuy nhiên, bộ lạc Hashid đã giành quyền kiểm soát 2 trại lính cách Sana khoảng 80km về phía Đông Bắc. Cùng ngày, hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ đã tập trung ở thủ đô Sana và 15 tỉnh lớn khác để yêu cầu phế truất Tổng thống Saleh ngay lập tức.
Trong lúc này, chi nhánh mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda ở Yemen đã chiếm giữ các tòa nhà chính phủ, trong đó có 2 ngân hàng quốc doanh tại thành phố Zinjibar, tỉnh Abyan ở miền Nam Yemen.
Một quan chức giấu tên xác nhận Al-Qaeda đã đánh bại lực lượng chính phủ tại Zinjiba, kiểm soát gần hết thành phố chiến lược này và đã đặt các trạm kiểm soát tại ba cửa ngõ vào thành phố. Zinjiba cách thủ đô Sana khoảng 480km về phía Nam, cứ điểm quan trọng của lực lượng Al-Qaeda ở bán đảo Arập.
Các nước láng giềng lo lắng
Tình hình tại Yemen lúc này cho thấy nếu không đảm bảo điều kiện thỏa thuận để ông Saleh và gia đình được an toàn sau khi hạ cánh, phe đối lập biểu tình chống chính phủ khó có thể đạt được mục tiêu lật đổ Saleh của mình. Bởi lẽ phe đối lập đã không thể dùng áp lực của biển người biểu tình để buộc ông Saleh từ chức vì ông hiện vẫn còn nắm lực lượng quân đội đủ mạnh để dập tắt mọi sự chống đối.
Nếu sự đối đầu giữa hai bên không được tháo gỡ, Yemen sẽ khó tránh khỏi nguy cơ xảy ra nội chiến. Đây cũng chính là điều các quốc gia láng giềng của Yemen quan tâm lo ngại nhất. Khi chưa xảy ra cuộc biểu tình chống chính phủ, Yemen đã là nỗi lo của các nước láng giềng trong khu vực bởi đây là nơi trú ẩn lý tưởng cho mạng lưới Al-Qaeda trên bán đảo Arập (AQAP) do trùm khủng bố khét tiếng tàn ác Anwar Awlaki chỉ huy.
Trước đó, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, yêu cầu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh từ chức ngay lập tức, đồng thời kêu gọi ông Saleh hãy lắng nghe những yêu cầu của nhân dân và từ những người bạn của Yemen.
Phát biểu tại Paris ngày 27-5, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các bên có liên quan hãy lập tức chấm dứt bạo lực. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ một Yemen thống nhất, ổn định và tiếp tục ủng hộ việc Tổng thống Saleh từ chức”.
Mặc dù nói vậy nhưng hiện tại, ở Yemen chỉ ông Saleh có khả năng giúp Chính phủ Mỹ hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống Al-Qaeda. Đó là lý do Chính phủ Mỹ luôn rất thận trọng trước những diễn biến tại Yemen. Tuy không ủng hộ Tổng thống Saleh trấn áp người biểu tình, người Mỹ cũng không muốn để Yemen rơi vào nội chiến, vì như thế càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho AQAP hoạt động.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Miền Trung Trung Quốc đang trải qua đợt khô hạn nặng nề nhất trong hơn 50 năm qua, khiến lượng nước trong các hồ chứa giảm mạnh, ảnh hưởng đến trồng trọt và đe dọa nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong mùa hè này.
Sét thường xuyên xảy ra trong thời gian này của năm, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn ở Bangladesh
Nhà cung cấp chất phụ gia thực phẩm lớn nhất Đài Loan, Yu Shen Spice, vừa bị phát hiện đã dùng DEHP - một loại hóa chất tạo độ dẻo thường sử dụng trong ngành nhựa. Những thực phẩm, đồ uống sử dụng phụ gia này có thể đã được bán cả ở Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 27/5 tuyên bố nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi phải ra đi. Tính đến nay, đây là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất của Mátxcơva đối với ông Gaddafi.