Thái Lan trước bầu cử: Sự ủng hộ đảo chiều ở Bangkok
- Cập nhật: Thứ bảy, 25/6/2011 | 7:57:30 AM
Chính trường Thái những ngày này sục sôi bởi cuộc chạy đua vào chiếc ghế Thủ tướng ở giai đoạn nước rút khi chỉ còn hơn một tuần nữa đất nước chùa Vàng bước vào cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Tuy nhiên, càng gần đến ngày bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều kết quả bất ngờ.
Ai là thủ tướng tương lai của đất nước Chùa Vàng? Bà Yingluck hay ông Abhisit?
|
Đảng Puea Thai được sự ủng hộ lớn tại Bangkok
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Trường đại học Bangkok (BU) công bố ngày 23-6, đảng Puea Thai đã vượt lên dẫn trước đảng Dân chủ - đảng lâu đời nhất ở Thái Lan - về sự ủng hộ của cử tri ngay tại thủ đô Bangkok và nhiều người dân thủ đô kỳ vọng bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, sẽ trở thành Thủ tướng mới của Thái Lan.
Kết quả cho thấy đảng Puea Thai đã vượt trên đảng Dân chủ về sự ủng hộ và phần đông tin tưởng đảng Puea Thai sẽ giành phần lớn các ghế nghị sỹ ở khu vực Bangkok.
Về xu hướng bỏ phiếu, khoảng 39% nói sẽ bỏ phiếu cho đảng Puea Thai, 23% nói sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, 4% bỏ phiếu cho đảng Rak Thailand và 2% bỏ phiếu cho đảng Rak Santi.
Về ứng cử viên Thủ tướng, 48% muốn dành cho bà Yingluck cơ hội trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, trong khi 28% muốn Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit Vejjajjiva tái giữ cương vị Thủ tướng. Bà Yingluck Shinawatra, 44 tuổi, là em gái út của Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Bà đã kết hôn, có một con trai và là người có nhiều kinh nghiệm về quản lý. Hiện bà Yingluck là Giám đốc của công ty truyền thông di động khổng lồ của Thái - AIS và một công ty bất động sản lớn SC Assets. Yingluck đã có bằng thạc sĩ về khoa học chính trị tại Kentucky, Mỹ.
Cuộc đối đầu không cân sức?
Về cơ bản, lịch sử Thái Lan cho thấy những giằng co về chính trị ở đất nước này chủ yếu xoay quanh vấn đề “ai nắm quyền” tại Bangkok. Sự giằng co, chia rẽ đó bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội tại sâu xa trong xã hội Thái Lan phân cực sâu sắc, bùng nổ thành cuộc biểu tình của phong trào Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), thường gọi là phe “áo vàng” phản đối Thủ tướng Thaksin vào năm 2006 dẫn đến việc ông Thaksin bị quân đội lật đổ và phải sống lưu vong để tránh bị bắt giam.
Ban đầu giới quan sát cho rằng cuộc bầu cử ngày 3-7 tới sẽ chứng kiến cuộc đối đầu có vẻ không cân sức giữa một người hầu như không có kinh nghiệm chính trị là bà Yingluck với đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, người đã chứng tỏ bản lĩnh khi dẹp tan các cuộc biểu tình của phe áo đỏ ủng hộ Thaksin tại Bangkok năm ngoái.
Tuy nhiên, càng gần đến ngày bầu cử, Đảng Pheu Thai của bà Yingluck được đánh giá có nhiều khả năng sẽ thể hiện rất tốt trong cuộc bỏ phiếu. Đảng này thậm chí có thể thu hút phần lớn phiếu bầu và nhiều người cho rằng Pheu Thai sẽ chiếm ưu thế tại khu vực đông bắc, trung tâm vùng trồng lúa của Thái. Đó cũng lá điều dễ hiểu khi những ngày này, người ta đồn đoán Thái Lan sắp có một vị nữ thủ tướng đầu tiên.
Quân đội khẳng định trung lập
Hiện tại, không ai dám chắc cuộc bầu cử tháng 7 này sẽ giúp Thái Lan đạt được mục tiêu hòa giải như bà Yingluck cam kết, hay vẫn sẽ là “màn ba” của những cuộc đấu đá giữa 2 phe “chính trị đường phố”. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định nếu đảng Puea Thai giành thắng lợi và bà Yingluck lên làm Thủ tướng, sẽ khó tránh khỏi nguy cơ đụng chạm với quân đội và các thực thể thân hoàng tộc, và một điều chắc chắn là phe áo vàng sẽ lại xuống đường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan ngày 23-6 đã tái khẳng định rằng các lực lượng vũ trang nước này đứng trung lập và sẽ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, bất luận đảng nào giành chiến thắng và đứng ra lập chính phủ mới.
Ông Prawit kêu gọi nhân dân Thái Lan thực thi quyền và nghĩa vụ công dân của họ trong bầu cử tới đây để góp phần đưa đất nước tiến lên, đồng thời ông cũng kêu gọi các đảng phái chính trị chấp nhận kết quả bầu cử.
Ông Prawit bày tỏ tin tưởng cuộc bầu cử sẽ diễn ra yên bình, không xảy ra các biến cố trước, trong và sau bầu cử.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Một cơn địa chấn có cường độ lên tới 7,4 độ Richter vừa làm rung chuyển chuỗi đảo núi lửa Aleutian, thuộc bang Alaska của Mỹ. Cảnh báo sóng thần đã được đưa ra, nhưng được rút lại sau đó một giờ.
Các nguồn tin an ninh và bệnh viện cho biết ngày 23/6, ba quả bom đã phát nổ gần một khu chợ và một địa điểm tôn giáo ở khu vực Tây Nam thủ đô Baghdad của Iraq, làm ít nhất 23 người thiệt mạng và 86 người khác bị thương.
Ngày 23/6, khi đánh giá về tình hình an ninh ở khu vực Thái Bình Dương cũng như tình hình tại biển Đông, Tướng Gary L. North, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, hiện đang ở thăm Philippines, nói với báo giới rằng không nên để cho tình hình căng thẳng chính trị xung quanh vấn đề tranh chấp Biển Đông dẫn tới chiến tranh, đồng thời ông khẳng định rằng Washington ủng hộ Manila trên cơ sở Hiệp định phòng thủ chung hiện nay.
Ngày 23/6, các tàu chiến của Hải quân Nga, Pháp, Mỹ và Anh bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài một tuần tại vùng biển phía Đông nước Mỹ nhằm chống cướp biển, khủng bố và bảo vệ các tàu chở hàng.