Vấn đề hạt nhân Triều Tiên: Hy vọng mới cho đàm phán 6 bên
- Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2011 | 1:50:59 PM
Những động thái mới trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang mở ra cơ hội cho các bên tiến gần nhau về mặt quan điểm.
Cuộc gặp giữa đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Wi Sung-lac và người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho.
|
Hy vọng mới cho đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, một lần nữa lại được nhen nhóm cuối tuần qua. Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 diễn ra tại Bali, Indonesia đã diễn ra một loạt các cuộc tiếp xúc giữa đại diện các nước liên quan tới vòng đàm phán 6 bên. Những động thái mới này cùng với sự “xuống thang” của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang mở ra cơ hội cho các bên tiến gần nhau về mặt quan điểm.
Có thể xem, cuộc gặp giữa đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Wi Sung-lac và người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho hôm 22/7 là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên về vấn đề hạt nhân kể từ cuối tháng 12/ 2008. Không chỉ dừng lại ở đấy, ngay hôm sau, 2 Ngoại trưởng Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cũng bất ngờ có cuộc gặp chớp nhoáng với nhau bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) 18. Mặc dù thời gian để 2 bên trao đổi không nhiều và nội dung cuộc gặp cũng là chỉ là đề cập sơ qua về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân song bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để dư luận dấy lên tia hy vọng về khả năng khởi động lại vòng đàm phán 6 bên vốn bị đình trệ hơn 2 năm rưỡi nay. Song quan trọng hơn cái bắt tay giữa các quan chức ngoại giao 2 miền là minh chứng cho sự xích lại gần nhau giữa Seoul và Bình Nhưỡng sau năm 2010 đầy rẫy những căng thẳng.
Thật ra, cuộc gặp của các quan chức cấp cao CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc cuối tuần qua không phải là động thái đầu tiên mở ra hy vọng cho vòng đàm phán 6 bên. Trước đó, suốt từ tháng 5 đến thời điểm này, hơn 1 lần Bình Nhưỡng bày tỏ “thiện chí” sớm nối lại đàm phán, thậm chí còn sẵn sàng bỏ qua các điều kiện tiên quyết – vốn là yêu cầu không thể thiếu của không chỉ CHDCND Triều Tiên mà còn của cả các nước có liên quan tới vòng đàm phán này trước đây. Thế nhưng lần này, hy vọng về sự tái khởi động đàm phán 6 bên hoàn toàn có cơ sở khi “thiện chí” của Bình Nhưỡng được chủ tịch Kim Chang In “xác nhận”.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Kim Chang In đã nhất trí với mục tiêu xây dựng một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Một cơ sở nữa củng cố niềm tin của dư luận là sự “xuống thang” của Mỹ trong vấn đề này. Sau những tuyên bố gây căng thẳng như “sự phát triển quân sự của CHDCND Triều Tiên đe doạ nước Mỹ” của cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Robert Gates hồi đầu năm, hay hành động diễn tập quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc ở khu vực biên giới 2 miền, rồi mới nhất là việc bỏ phiếu cấm viện trợ lương thực chính thức cho CHDCND Triều Tiên…, Washington đã chính thức có sự chuyển hướng trong việc tiếp cận Bình Nhưỡng. Mỹ đã khéo léo lựa lời để mời CNDCND Triều Tiên tới New York tuần này để bàn về tái khởi động vòng đàm phán 6 bên.
Điều này được chính Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton xác nhận: “Chúng tôi sẵn sàng đón nhận Triều Tiên quay trở lại đàm phán”. Dự kiến Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan sẽ là người sẽ tới New York sẽ gặp gỡ với một nhóm các quan chức Mỹ để thảo luận cam kết của Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán và thực hiện những bước đi cụ thể cho chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Xâu chuỗi tất cả những động thái này đang mang lại niềm tin cho dư luận. 2 năm rưỡi kể từ ngày vòng đàm phán 6 bên bị đổ bể, chưa khi nào tất cả các bên thể hiện những bước đi mềm dẻo và linh hoạt trong việc tiếp cận 1 vấn đề nhạy cảm mang tên “hạt nhân”. Điểm mấu chốt trong quá trình đàm phán 6 bên chính là sự quan ngại của CHDCND Triều Tiên về vấn đề an ninh quốc gia, mà rõ ràng điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở những tiến triển trong quan hệ Triều – Mỹ.
Hơn thế nữa, CHDCND Triều Tiên muốn các cuộc thương lượng phải diễn ra trong sự bình đẳng ngang hàng giữa các thành viên trong đàm phán 6 bên. Tất cả nằm trong một mối quan hệ đa tầng phức tạp mà chỉ có thể giải quyết khi các bên nhường nhịn nhau. Giờ với “thiện chí” mà CHDCND Triều Tiên và Mỹ đang thể hiện, các bên lại bắt đầu những bước đầu tiên khởi động lại vòng đàm phán 6 bên.
(Theo VOV)
Các tin khác
Sau Pháp, đến lượt Anh nhượng bộ trước Tổng thống Muammar Gaddafi khi thừa nhận nhà lãnh đạo này có thể ở lại đất nước Libya nếu chịu từ bỏ quyền lực và chọn con đường nghỉ hưu êm ả.
Cơ quan cảnh sát Na Uy vừa thông báo số người chết trong vụ tấn công kép hôm 22/7 đã giảm từ 93 xuống còn 76 sau khi tiến hành rà soát lại danh sách nạn nhân.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 25/7 cho hay quốc đảo sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lãnh hải mà họ tuyên bố ở Biển Đông.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bị chia rẽ sâu sắc trong việc thông qua một nghị quyết nhằm lên án chính quyền Syria.