Châu Âu muốn hoãn bỏ phiếu công nhận Palestine
- Cập nhật: Thứ năm, 22/9/2011 | 1:55:20 PM
Các nỗ lực vận động ngoại giao tại Liên hợp quốc đang được thúc đẩy để hoãn vô thời hạn cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, về đề nghị của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas yêu cầu công nhận Nhà nước Palestine là thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc vào ngày 23/9.
Theo kịch bản được các nhà ngoại giao châu Âu vận động trong nhiều tuần qua, quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về đề nghị của Tổng thống Palestine sẽ bị hoãn vô thời hạn, để Mỹ có thời gian tìm cách khởi động lại cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Palestine và Israel, đồng thời chính quyền Palestine tiếp tục nhận 600 triệu USD viện trợ hàng năm của Mỹ và các tổ chức tài chính quốc tế khác.
Đây được coi là giải pháp giữ thể diện giúp Mỹ không phải sử dụng quyền phủ quyết mà Mỹ rất muốn tránh đối với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Mỹ và thế giới Arập.
Các nguồn tin ngoại giao tại Liên hợp quốc cho biết phía Palestine có vẻ đang cân nhắc những ý kiến đề xuất của các bên nhằm giảm bớt căng thẳng xung quanh yêu cầu công nhận Nhà nước Palestine.
Nhiều nguồn tin dẫn lời bà Hanan Ashrawi, nghị sỹ quốc hội Palestine và là thành viên Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cho biết Tổng thống Abbas đã ủng hộ kịch bản giữ thể diện của châu Âu nhằm làm dịu bầu không khí căng thẳng ở Liên hợp quốc.
Song, Palestine cũng cảnh báo nếu kế hoạch trì hoãn nhằm phá hoại vị thế quốc tế đang gia tăng của Palestine, chính quyền Palestine sẽ hành động thông qua Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Palestine tin rằng tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, yêu cầu trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc có thể nhận được 140 phiếu ủng hộ trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc, trong khi ở Hội đồng Bảo an có thể chỉ giành được 9 phiếu ủng hộ và có nguy cơ bị Mỹ phủ quyết.
Trong diễn văn tại Đại Hội đồng, Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo rằng không có "đường tắt" để chấm dứt xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua và mang lại hòa bình lâu dài. Bất chấp việc một số quốc gia như Brazil, Lebanon và Nam Phi - tất cả đều là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, đang tăng cường vận động ủng hộ Palestine tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định chỉ có thương lượng trực tiếp mới có thể dẫn đến một hiệp ước hòa bình với Israel.
Trước đó cùng ngày, bên lề khóa họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Tổng thống Obama đã tiếp Tổng thống Abbas. Cuộc gặp diễn ra trong 7 giờ sau khi nhà lãnh đạo Mỹ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Trong khi đó, người phát ngôn Liên hợp quốc Martin Nesirky cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc Thủ tướng Israel Netanyahu hành động có trách nhiệm, kiềm chế và sáng suốt liên quan đến nỗ lực của Palestine trở thành quốc gia thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Trước đó, Israel đã kịch liệt phản đối chiến dịch vận động của Palestine và dọa sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa ngoại giao.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Mỹ 21/9 đã chính thức thông báo về quyết định giúp Vùng lãnh thổ Đài Loan nâng cấp một loạt máy bay chiến đấu trong một hợp đồng trị giá lên tới 5,85 tỉ USD. Động thái này của Mỹ đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của Trung Quốc.
Trận bão cực mạnh đổ bộ vào miền trung nước Nhật hôm 21.9 khiến 4 người thiệt mạng và hơn một triệu người khác đứng trước khả năng phải đi di tản.
Ngày 21/9, tình hình chiến sự tại Libya giữa lực lượng của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) với quân đội ủng hộ nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi vẫn diễn ra hết sức ác liệt ở các thành phố Sirte và Bani Walid, hai thành trì cuối cùng của ông Gaddafi.
Theo AFP và Kyodo, bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20/9 đã gặp người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai, vài giờ sau khi xảy ra vụ đánh bom liều chết ám sát cựu Tổng thống Afghanistan và hiện là Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Tối cao nước này, ông Burhanuddin Rabbani.