Palestine đã chính thức đệ đơn xin gia nhập LHQ
- Cập nhật: Thứ bảy, 24/9/2011 | 8:57:11 AM
Vào lúc 11h 35' sáng 23/9 (theo giờ Mỹ) tức 22h 35' tối 23/9 (giờ Hà Nội), tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas đã chính thức trình lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon lá đơn xin gia nhập LHQ với quy chế quốc gia thành viên đầy đủ dành cho Palestine.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
|
Dự kiến, ông Ban Ki-moon sẽ chuyển lá đơn này cho một ủy ban thuộc Hội đồng Bảo an LHQ xem xét và quá trình này có thể sẽ kéo dài trong vài tuần.
Phát biểu tại phiên thảo luận chung tại kỳ họp thứ 66 của Đại hội đồng LHQ sau đó, Tổng thống Abbas khẳng định chính sách xây dựng các khu định cư của Israel sẽ "hủy hoại những cơ hội" đạt được giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột giữa hai bên.
Theo ông Abbas, chính sách nói trên của Israel không chỉ đe dọa cấu trúc của Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA), mà thậm chí còn chấm dứt sự tồn tại của chính quyền này. Nhà lãnh đạo Palestine tuyên bố sẵn sàng quay trở lại cuộc đàm phán với Israel với điều kiện Tel Aviv đình chỉ hoàn toàn chính sách xây dựng các khu định cư Do Thái.
Israel đã ngay lập tức phản ứng trước quyết định của Tổng thống Abbas. Người phát ngôn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra tuyên bố cho biết "lấy làm tiếc về hành động này." Phía Israel một lần nữa nhắc lại quan điểm rằng "con đường duy nhất để đạt được hòa bình thực sự là thông qua đàm phán chứ không phải những bước đi đơn phương." Trước đó, một số quan chức Israel cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa mạnh mẽ.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Susan Rice cũng lên tiếng kêu gọi Tổng thống Abbas trở lại "đàm phán trực tiếp" với Israel.
Còn tại Ramallah ở khu Bờ Tây, người dân Palestine đã đổ ra đường phố hò reo, vẫy quốc kì và theo dõi trực tiếp bài phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ của Tổng thống Abbas qua những màn hình lớn đặt ở trung tâm thành phố.
Trước đó, khoảng 22 nghìn cảnh sát Ixaren được đặt trong tình trạng báo động và triển khai dọc Đường Xanh giữa Israel và Bờ Tây, tại khu vực Đông Jerusaelm và nhiều nơi khác nhằm đề phòng khả năng bùng phát bạo lực. Tuy nhiên, một người Palestine đã bị bắn chết trong các vụ đụng độ với binh lính Israel nổ ra sau khi những người định cư Do Thái tấn công một ngôi làng của người Palestine gần Nablus ở Bờ Tây.
Dự kiến, sau bài phát biểu tại LHQ, Tổng thống Abbas sẽ trở về vùng lãnh thổ Palestine để tiến hành tham vấn về bước đi tiếp theo.
Các thủ tục để được công nhận là thành viên chính thức của Liên hợp quốc bắt đầu bằng việc Tổng thống Abbas gửi đơn đề nghị tới Tổng thư ký Ban Ki-moon, tiếp đó ông Ban Ki-moon xem xét và chuyển cho Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thông qua.
Để được chấp thuận, Palestine cần phải nhận được 9 phiếu ủng hộ trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an và không bị các thành viên thường trực phủ quyết. Nếu không thành công trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an, ông Abbas có thể trình đề nghị lên Đại hội đồng Liên hợp quốc, nơi Palestine đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, Palestine sẽ chỉ có thể được công nhận là một nhà nước quan sát viên chứ không phải là thành viên chính thức. Vị thế này cao hơn vị thế quan sát viên thường trực của Palestine hiện nay, nhưng không được tham gia các cuộc bỏ phiếu tại Liên hợp quốc.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới - có khả năng sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong năm nay.
Chính phủ Thái Lan sẽ xem xét lại hàng trăm vụ án kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2006, trong đó có cáo trạng tham nhũng liên quan đến cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.
Chống khủng bố là một cuộc chiến rất gian nan, khốc liệt và có thể nói là cuộc chiến tốn kém nhất từ trước tới nay.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nga hôm qua (22/9) tiết lộ, nước này đang có kế hoạch phát triển một hệ thống lá chắn tên lửa riêng ở trên biển. Nhiều người tin rằng, kế hoạch này là nhằm đáp trả lại lá chắn tên lửa của NATO ở Châu Âu.