Làn sóng bạo lực đang lan rộng trên toàn Syria
- Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2011 | 1:47:12 PM
Theo các nguồn tin tại chỗ, làn sóng bạo lực thời gian gần đây lan rộng trên cả nước Syria đã làm nhiều người thiệt mạng, đặc biệt trong các vụ đụng độ giữa quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad và các tay súng được cho là binh sỹ quân đội đào ngũ.
Hàng trăm người biểu tình chống chính phủ tại làng al-Hirak, tỉnh Daraa, Syria. (Nguồn: AP).
|
Tin cho biết có ít nhất 31 người thiệt mạng riêng trong ngày 9/10, trong đó có 17 binh sỹ và thành viên lực lượng an ninh cùng 14 thường dân.
Liên hợp quốc cho biết bạo lực trong các cuộc biểu tình sáu tháng qua ở Syria phản đối chính quyền của Tổng thống Assad đã làm 2.900 người thiệt mạng.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt những biện pháp trừng phạt và hối thúc Liên hợp quốc ra một nghị quyết chống Damascus.
Ngoại trưởng các nước thành viên EU nhóm họp tại Luxembourg ngày 10/10 đã ra tuyên bố kêu gọi Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết về Syria, đồng thời cho biết EU sẽ tiếp tục hối thúc gia tăng sức ép quốc tế và "sẽ theo đuổi các nỗ lực cùng với các đối tác khu vực giải quyết tình hình ở Syria."
Tin cũng cho biết trong tuyên bố, các ngoại trưởng EU hoan nghênh lực lượng đối lập ở Syria thành lập Hội đồng Dân tộc (SNC), coi đó là "bước tiến tích cực."
SNC được thành lập hồi tháng Tám vừa qua và chính thức công bố hôm 2/10, với thành phần quy tụ phần lớn các phong trào đối lập ở Syria chống chế độ của Tổng thống al-Assad.
Hiện hội đồng này do ông Burhan Ghalioun đứng đầu.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tư nhân của Libya LBIC, ông Ghalioun tuyên bố nếu chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ, ông Assad "sẽ có số phận như những tội phạm" và phải chịu trách nhiệm về các vụ sát hại và bắt giữ dân thường.
Tuy nhiên, ông Ghalioun cho biết SNC không yêu cầu sự can thiệp quân sự từ bên ngoài và sẽ tập trung nỗ lực bảo vệ người dân.
Trong khi đó, Giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu ở Syria, ông Ahmad Badreddine Hassoun đã lên tiếng cảnh cáo các nước phương Tây chớ can thiệp quân sự vào Syria.
Trong một tuyên bố ngày 9/10, ông Hassoun cũng đe dọa sẽ trả đũa bằng các vụ đánh bom liều chết tại Mỹ và châu Âu nếu Syria bị tấn công.
Các nước phương Tây tỏ ra không sẵn sàng mở một chiến dịch quân sự chống chế độ của Tổng thống Syria al-Assad.
Tổng thư ký NATO tuần trước khẳng định rằng "NATO hoàn toàn không có ý định can thiệp ở Syria."
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 10/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Nga và Trung Quốc sẵn sàng đề xuất một nghị quyết của Liên hợp quốc về vấn đề Syria "công bằng hơn" dự thảo nghị quyết của phương Tây.
Theo ông Lavrov, nghị quyết do Mátxcơva soạn thảo sẽ lên án các hành động bạo lực từ cả phía chính quyền và phe đối lập ở Syria, đồng thời kêu gọi Tổng thống Assad thực hiện các cải cách đã cam kết và khuyến khích phe đối lập tham gia đàm phán.
Tuần trước, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết dự thảo nghị quyết về Syria do phương Tây đề xuất.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Các chiến dịch quân sự giải phóng Bani Walid và Sirte, hai thành trì cuối cùng của lực lượng trung thành với ông Gaddafi, có thể sẽ hoàn tất vào tuần tới.
Giải Nobel Kinh tế học đã được trao cho hai nhà khoa học nổi tiếng người Mỹ Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims.
Ít nhất 85 quan chức cảnh sát từ ba thành phố ở bang Nuevo Leon, miền bắc Mexico đã bị lực lượng cảnh sát liên bang bắt giữ vào hôm 9.10.
Nỗ lực để bảo vệ thành phố cổ Ayutthaya và các vùng công nghiệp trọng yếu bị thất bại buộc chính phủ Thái Lan phải chuẩn bị sơ tán khẩn cấp dân cư 10 tỉnh.